Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

PHÂN TÍCH ĐÀN GHI TA LORCA

Lâp dàn ý
 I Tìm hiểu chung :
1 Tác giả Thanh Thảo
- Một trí thức suy tư,  trăn trở về các vấn đề xã hội
-Muốn cuộc sống được cảm nhận ở chiều sâu nên luôn khước từ lối  diễn đạt dễ dãi,đào sâu vào cái tôi nội cảm tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, giải phóng đặc biệt nhằm mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng, xóa những khuôn sáo bằng nhịp điệu bất thường, đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại bằng ngôn từ hình ảnh mới.
- Kiểu tư duy mãnh liệt, giàu cảm xúc phóng túng và nhuốm màu tượng trưng siêu thực:
          + Tượng trưng tìm vào trạng thái tâm hồn với những linh cảm mang bản chất vô thức, cho rằng hiện tượng vũ trụ tồn tại như những tượng trưng cho bản chất huyền bí của tạo vật mà chỉ riêng nhà thơ mới có thiên bẩm kì diệu để thâm nhập và biểu đạt được những hình ảnh tượng trưng ấy. Thơ là một thứ siêu cảm giác không thể giải thích được. Không cần có hình tượng rõ nét thơ được quan niệm như một bản hòa âm hoàn hảo và dường như có nét tương đồng của tạo hóa và sự sáng tạo của thơ ca.
          + Siêu thực : hướng tới một hiện thực cao hơn hiện tại. Thế giới siêu thực chỉ có thể cảm thấy trong giấc mơ, trong tiềm thức , lúc đãng trí, lúc suy nhược thần kinh. Khám phá thế giới ấy nghệ sĩ phát hiện những điều sâu kín mà thiêng liêng bí ẩn mà chính xác trong cuộc sống con người. Đề cao yếu tố tâm linh và ngẫu hứng, sáng tác bằng những dòng liên tưởng rời rạc, không khắc họa bằng bức tranh thực tại toàn vẹn.
2 Gacia Lorca

- Là một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha.
- Trước một Tây Ban Nha – Trước sự cai trị  chế độ độc tài – đã trở nên phản đối về chính trị và già cỗi về nghệ thuật, Lorca đã nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế, đòi quyền sống chính đáng đồng thời cũng khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong lĩnh vực nghệ thuật. Lorca đã tự nguyện làm người du ca đi  lang thang với cây đàn ghi ta hát lên những bài ca lãng tử dùng tiếng đàn để giãi bày nỗi đau buồn và niềm khát vọng yêu thương của nhân dân.
- Ông đã bị chế độ phản động cực quyến phát xít bắt giam và bắn chết.Cái chết của Lorca đã dâng lên một làn sóng phẫn nộ hết sức mạnh mẽ trên thế giới với bè lũ Phrăngcô. Tên tuổi của Lorca trở thành biểu tượng chống chủ nghĩa phát xít bảo vệ văn hóa dân tộc văn minh nhân loại.
3 . Hoàn cảnh ra đời và mục đích sáng tác bài thơ:
a ) Hoàn cảnh sáng tác
- Được viết liền mạch sau khi ngồi chơi và đàm đạo về thơ của Lorca với những người bạn tâm đắc -> Kết quả là ấn tượng và nhận thức sâu sắc về thơ lorca.
- Lorca là nhà thơ mà Thanh Thảo rất ngưỡng mộ. Cả thơ ca cuộc đời và cái chết của LORCA đã gây ấn tượng cảm xuacs. Chính hình ảnh và nhạc điệu trong  những  bài thơ của Lorca đã dẫn dắt ông viết “Tiếng đàn ghi ta Lorca”
- Từng được biết đến Tây Ban Nha qua những tác phẩm của Heemiguê – một nhà  văn Mĩ, lại đọc thơ Lorca từ khi còn trẻ hình ảnh Tây Ban Nha và hình ảnh trong thơ lorca đã lặn sâu vào trong tâm trí và trở thành ám ảnh để khi viết bài thơ nó bật ra một cách tự nhiên.
=> Kết quả sự thăng hoa của vô thức và ám ảnh về con người, cuộc đời và thơ Lorca một con họa mi của Tây Ban Nha. 
b ) Mục đích sáng tác
Bài thơ được viết như một khúc tưởng niệm lorca, làm sống dậy hình ảnh Lorca và  thể hiện sự tri âm đồng cảm và ngưỡng vọng một người nghệ sĩ tài hoa có cốt cách anh hùng và số phận bi thương.
4. Nhan đề và lời đề từ
a ) Nhan đề
- Nhan đê bài thơ là hình tượng nghệ thuật xuyên suốt toàn tác phẩm: hình tượng tiếng đàn ghi ta của Lorca.
- Đàn ghi ta còn gọi là Tây ban cầm gắn liền với hình ảnh đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp hào phóng xinh đẹp,rự lửa và mê đắm với những điệu nhảy flamencô, cùng gắn liền với gaxialorca- một nhà thơ nhân dân là một nghệ sĩ đã dùng tiếng đàn cất lên lời ac tranh đấu chống chủ nghĩa phát xít vừa  gắn với nền văn hóa Tây Ban Nha vừa gắn với khát vọng Lorca
- Đàn ghi ta lorca là tiếng nói nghệ thuật của riêng Lorca không thuần túy chỉ là âm thanh, giai điệu còn là toàn bộ con người Lorca với tinh thần tranh đấu và khát v ọng nghệ thuật. Trong trường hợp này ghi ta gắn bó và thể hiện tâm hồn nghệ sĩ của Lorca-tình yêu cuộc sống và khí phách kiên cường của người chiến sĩ yêu tự do và khát vọng hòa nhập hòa nhập trái tim mình với tự do
- Đàn ghi ta còn là biểu tượng cho người nghệ sĩ Lorca với tâm hồn nhân cách, khát vọng nghệ thuật, lí tưởng xã hội cao đẹp và cả cuộc đời  bi tráng. Như vậy, nhan đề gợi cặp hình tượng sóng đôi song trùng trong tác phẩm: Đàn ghi ta và Lorca.
b ) Lời đề từ
- Đề từ là một câu thơ mang tính tiên cảm của Lorca về cái chết của chính mình.
- Đề từ thể hiện nguyện ước của Lorca được gắn bó với cây đàn nghĩa là không chỉ trong khi sống và cả khi đã chết. Khi sống Lorca đã dùng cây đàn để hát lên bài ca tranh đấu, bài ca tình yêu cuộc sống và khi chết ông vẫn muốn tiếp tục những bài ca ấy. Với lời đề từ,  Thanh Thảo có lẽ còn muốn khẳng định sự bất tử của khát vọng sống Lorca.
- Đề từ cũng có thể hiểu thể hiện nguyện ước cũng là một lời động viên của Lorca đối với thế hệ sau trên hành trình cách tân nghệ thuật Tây Ban Nha, ông không muốn mình trở thành vật cản cho hành trình cách tân nghệ thuật của hậu thế.
I. Mở bài:
- Thanh Thảo là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông được công chúng ngưỡng mộ qua những bài thơ và trường ca mang phong cách độc đáo về chiến tranh và thời hậu chiến.
- Thơ ông là tiếng nói của người trí thức có nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Ông luôn tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, hệ thống thi ảnh và ngôn từ mới mẻ.
- Đồng cảm với Ph.G.Lor-ca, một trong những tài năng sáng chói của nền văn học hiện đại Tây Ban Nha thế kỉ XX, Thanh Thảo đã viết bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" để ca ngợi tài năng, nhân cách và bản lĩnh của Lor-ca và bày tỏ thái độ ngưỡng mộ, kính yêu của mình đối với người nghệ sĩ thiên tài đã hi sinh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít để bảo vệ nền văn hoá dân tộc và văn minh nhân loại.
- Bài thơ này được Thanh Thảo đưa vào tập thơ "Khối vuông ru bích", xuất bản năm 1985.
II. Thân bài:
Khái quát trước khi phân tích: Làm nên cảm hứng của bài thơ là hình tượng thơ Gacia Lorca – một tên tuổi lớn của đất nước Tây Ban Nha. Đó là người nghệ sĩ tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít và cách tân nền nghệ thuật đã già nua của đất nước Tây Ban Nha. Anh hi sinh khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, để lại trong lòng nhân dân Tây Ban Nha nói riêng và nhân dân thế giới nói chung niềm tiếc thương vô hạn. Từ hình tượng ấy, Thanh Thảo đã sáng tác bài thơ này.

1. Ý nghĩa câu thơ đề từ:
- Thanh Thảo sử dụng câu thơ mở đầu bài "Ghi nhớ" của Lor-ca: "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" để làm đề từ cho bài thơ của mình với nhiều ý nghĩa:
+ Lời thơ như một lời di chúc ấy có thể hiểu đó là tình yêu say đắm của Lor-ca đối với nghệ thuật, đối với đất nước Tây Ban Nha của mình, nơi sản sinh ra cây đàn Tây Ban Cầm.
+ Đó cũng chính là ước vọng của Lor-ca: Nếu có phải chết thì sẽ chết trong tiếng đàn dân tộc, chết trong nỗi niềm dân tộc, chết với niềm vui được làm một người Tây Ban Nha.
+ Đó còn là lời nhắn nhủ của Lor-ca đối với các thế hệ nghệ sĩ trên đất nước của ông: hãy biết chôn nghệ thuật của ông để đi tới, hãy vượt qua sự nghiệp của ông.
2. Qua hai khổ đầu của bài thơ, ta bắt gặp hai bức tranh tương phản của đất nước Tây Ban Nha:
- Bài thơ mở ra với những tiếng đàn ghi ta:
"những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt"
+ Một liên tưởng so sánh rất lạ và gợi cảm: tiếng đàn ghi ta bồng bềnh như bọt nước, mong manh lan toả trong không gian.
+ Nói đến Tây Ban Nha, ngoài hình ảnh của cây đàn ghi ta, còn có hình ảnh của những dũng sĩ đấu bò tót với chiếc "áo choàng đỏ gắt", gợi một hoạt động văn hoá hết sức tiêu biểu cho đất nước Tây Ban Nha.
+ Như thế, chỉ cần có hai thứ trên người: một cây đàn ghi ta với những giai điệu mênh mông quyến rũ và một chiếc áo choàng đỏ trên lưng ngựa là trở thành một người Tây Ban Nha, con người của một đất nước vừa rất nghệ sĩ vừa rất quả cảm.
- Tiếp theo, ta bắt gặp một câu thơ rất lạ, chỉ toàn có âm thanh: "li-la li-la li-la"
+ Câu thơ như chỉ để ghi lại tiếng đàn ghi ta.
+ Qua chuỗi âm thanh tiếng đàn réo rắt "li-la li-la li-la", tác giả mô phỏng được một dáng điệu, một phong thái, một tâm hồn tự do phóng khoáng, đang đánh đàn giữa đất trời Tây Ban Nha tươi đẹp mênh mông.
- Hình ảnh con người trong câu thơ cũng chính là hình ảnh của Lor-ca:
"đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn"
+ Những hình ảnh trong các câu thơ giúp ta cảm nhận được nỗi buồn và sự cô đơn: con người thì lang thang, không gian thì đơn độc, vầng trăng thì chếnh choáng, yên ngựa thì mỏi mòn.
+ Hình ảnh người nghệ sĩ "lang thang", "đơn độc", ngồi trên "yên ngựa mỏi mòn" giúp người đọc hình dung được sự cô độc của người nghệ sĩ thiên tài mang khát vọng cách tân nền nghệ thuật già nua của Tây Ban Nha giữa bối cảnh chính trị độc tài của bọn phát xít Phrăng-cô.
- Giữa lúc người nghệ sĩ đa tài (nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà cách tân sân khấu) đang đi khắp mọi miền đất nước để cổ vũ nhân dân đấu tranh chống lại thế lực độc tài và kêu gọi cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật thì ông đã bị kẻ thù sát hại:
"Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du"
+ Giữa lúc chàng nghệ sĩ đang "hát nghêu ngao" trên khắp quê hương đất nước mình, "bỗng kinh hoàng" khi "bị điệu về bãi bắn". Một sự thay đổi bất ngờ đã xảy ra. Cái "áo choàng đỏ gắt" của người dũng sĩ đấu bò tót giờ đã trở thành "áo choàng bê bết đỏ". Tấm áo choàng không còn đỏ gay gắt trước sự hung hãn của chế độ độc tài nữa, tấm áo đã bê bết máu nơi pháp trường.
+ Hình ảnh hoán dụ "áo choàng bê bết đỏ" còn nhằm để chỉ bọn phát xít độc ác, bọn đao phủ giết người không gớm tay. Đất nước Tây Ban Nha, đất nước của những con người dũng sĩ và nghệ sĩ đã bị thay thế một cách thô bạo bởi bọn phát xít độc tài Phrăng-cô, chúng đang thẳng tay giết hại những người dân Tây Ban Nha vô tội trong đó có Lor-ca.
+ Tại sao khi "bị điệu về bãi bắn - chàng đi như người mộng du"? Biện pháp so sánh thể hiện thái độ thản nhiên, chẳng quan tâm đến cái chết đang chờ đón mình của Lor-ca.
- Thanh Thảo đã sử dụng một loạt những hình ảnh được diễn đạt theo lối tượng trưng có tác dụng chuyển đổi cảm giác để khẳng định một điều: cùng với cái chết của Lor-ca, mọi thứ đẹp đẽ của đất nước Tây Ban Nha dường như cũng thay đổi theo:
"tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy"
+ Từ tiếng đàn "ghi ta nâu" của cô gái Tây Ban Nha da nâu duyên dáng, tiếng đàn "ghi ta lá xanh" của một đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp, đến "tiếng ghi ta tròn bọt nước / vỡ tan" như những giọt âm thanh nối nhau không dứt… tất cả nay chỉ còn một tiếng đàn ghi ta duy nhất, đó là "tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy". Câu thơ bỗng dưng bị gãy ra làm hai, tiếng đàn vỡ ra làm hai, cuộc sống như bỗng bị chém đứt làm hai mảnh. Đó là hình ảnh tượng trưng cho đất nước Tây Ban Nha đau thương, đổ máu sau cái chết  của người nghệ sĩ Lor-ca.
3. Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca trở thành bất diệt:
- Ta bắt gặp một khổ thơ như một lời khẳng định dứt khoát một chân lí trường cửu:
"không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng"
+ Cây đàn là biểu tượng sự nghiệp nghệ thụât của Lor-ca. Khi anh chết cũng có nghĩa là sự sống của cây đàn - những sáng tạo nghệ thuật của anh không còn nữa.
+ "Chôn" cây đàn không có nghoã là phủ nhận mà phải biết tiếp nối, nhân lên, phải biết vượt qua anh để sáng tạo, vươn tới chân trời nghệ thuật mới mẻ, lhác thường hơn.
+ Nhưng có lẽ vì đất nước Tây Ban Nha quá yêu mến, ngưỡng mộ Lor-ca nên chưa ai dám vượt qua anh.
+ Khổ thơ có nhịp điệu chậm rãi, đều đặn, chắc chắn như một lời khẳng định chân lí. Người ta có thể chôn cất một con người xuống đất nhưng "không ai chôn cất tiếng đàn", tiếng đàn của Lor-ca sống mãi trong lòng nhân dân Tây Ban Nha, trong lòng nhân loại.
+ Nghệ thuật so sánh "tiếng đàn như cỏ mọc hoang" là nhằm khẳng định sức sống mạnh mẽ, bền vững của những tác phẩm nghệ thuật của Lor-ca. Đó chính là cái đẹp của nghệ thuật mà sự tàn ác của kẻ thù không thể huỷ diệt nổi, sức sống của nó mạnh mẽ "như cỏ mọc hoang" sinh sôi phát triển không ngừng.
- Nỗi xót thương cái chết của một thiên tài đọng lại thành một hình ảnh ẩn dụ thật đẹp và cũng thật buồn:
"giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng"
Hình ảnh giọt nước mắt, vầng trăng, long lanh đáy giếng tạo nên hệ thống hình ảnh trùng phức, giao thoa, ánh xạ vào nhau, gợi lên những duy tư đa chiều về nỗi xót thương. Vầng trăng soi vào đáy giếng long lanh như giọt nước mắt tiếc thương, kính trọng, ngưỡng mộ của tác giả và mọi người dành cho Lor-ca.
4. Kết thúc bài thơ là những suy tư của tác giả trước cái chết của Lor-ca:
- Thanh Thảo đã liên tưởng về sự đối lập giữa cái hữu hạn và cái vô cùng:
"đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc"
+ Những hình ảnh tượng trưng: " đường chỉ tay đã đứt - dòng sông rộng vô cùng" nhằm chỉ cuộc đời ngắn ngủi của Lor-ca giữa thế giới vô cùng vô tận của vũ trụ, của đất trời.
+ "đường chỉ tay" gắn liền với số mệnh của một con người, "dòng sông rộng vô cùng" cũng chính là dòng đời, là cuộc sống bao la. "đường chỉ tay đã đứt" là một cách nói hoán dụ để chỉ đến cuộc đời ngắn ngủi của Lor-ca, ông mất khi mới vừa tròn 38 tuổi.
+ Hình ảnh: " Lor-ca bơi sang ngang - trên chiếc ghi ta màu bạc" là một hình ảnh tượng trưng cho sự nghiệp bất tử của Lor-ca. "Chiếc ghi ta màu bạc" tượng trưng cho con thuyền nghệ thuật tuyệt vời của ông. Con thuyền ấy đã vượt qua được "dòng sông rộng vô cùng" của cuộc đời, vượt lên sự thử thách của thời gian để khẳng định sự nghiệp của ông là bất tử.
- Lor-ca đã vượt lên cái chết để trường tồn:
"chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt"
+ "lá bùa cô gái Di-gan" là vật để người dân Tây Ban Nha đeo trong người nhằm tránh rủi ro, nguy hiểm. Nhưng Lor-ca là một con người xem thường hiểm nguy và cái chết nên ông không cần sử dụng đến lá bùa ấy, ông đã ném nó vào "xoáy nước". Đây còn là một cách nói để ca ngợi cái chết đầy dũng khí của Lor-ca. Lor-ca sẵn sàng đón nhận cái chết trên con đường đấu tranh mà không cần phải dùng đến bùa chú để cầu may mắn cho mình.
+ Cách nói "chàng ném trái tim mình - vào lặng yên bất chợt" là để chỉ đến cái chết của Lor-ca. Ông đã đi vào cõi "lặng yên", đi vào cõi trường sinh và trở nên bất tử trong lòng nhân dân mình.
+ Qua các hành động "ném lá bùa", "ném trái tim", Thanh Thảo giúp ta cảm nhận được khí phách hiên ngang của một người nghệ sĩ, một người chiến sĩ xem thường cái chết.
- Bài thơ được kết thúc bằng sự lặp lại của chuỗi âm thanh : "li-la li-la li-la".
Tiếng đàn mà cũng là nghệ thuật của Lor-ca đã đồng vọng, cộng hưởng đến hậu thế. Lor-ca đã ra đi nhưng tình thần đấu vì tự do, vì sự cách tân nghệ thuật vẫn được tiếp nối mãi mãi. Mãi mãi tiếng đàn ghi ta của đất nước Tây Ban Nha vẫn còn, mãi mãi sự nghiệp văn học và nghệ thuật của Lor-ca vẫn được kính trọng.
III. Kết bài:
- Bằng hình tượng cây đàn ghi ta quen thuộc mang ý nghĩa biểu tượng, kết hợp với hình thức phóng khoáng của thể thơ tự do, cách viết thường chứ không viết hoa ở tất cả các đầu câu thơ và các biện pháp tượng trưng, ẩn dụ, hoán dụ, so sánh… giúp tác giả thành công trong việc thể hiện những suy nghĩ, những cảm xúc chân thành của mình đối với cuộc sống đầy bi kịch và đầy khát vọng cao đẹp của nhà thơ vĩ đại Lor-ca.
- Bài thơ với sự kết hợp hài hoà của các yếu tố tự sự - trữ tình; giữa thơ và nhạc cìng hệ thống thi ảnh phóng túng, ngôn ngữ mới mẻ, hiện đại, sức gợi đa chiều đã đem lại cho người đọc một thi phẩm giàu cảm quan thẩm mĩ.

Bài Làm
          Thanh Thảo thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng đã tạo được giọng điệu riêng ngay từ khi trình làng thi phẩm đầu tiên "Dấu chân qua trảng cỏ" rồi đến“Những người đi tới biển”, sau đó là “Khối vuông ru-bích”. Ông luôn tìm tòi khám phá, sáng tạo tìm cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, đem đến một mĩ cảm hiện đại cho thơ bằng thi ảnh và ngôn từ mới mẻ. Đàn ghita của Lorca là bài thơ tiêu biểu cho kiểu tư duy sáng tạo ấy.
   Thanh Thảo mở đầu bài thơ bằng chính di nguyện của Lor-ca “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Đây là một di nguyện vừa thiêng liêng vừa cao thượng. Anh không muốn suốt đời là cái bóng ngăn cản sự phát triển của những tài năng trẻ của đất nước mình. Đây chính là cái tâm của người nghệ sĩ lớn suốt đời hi sinh cho nghệ thuật và đấu tranh chống phát xít bạo tàn. Về một ý nghĩa khác Đàn ghita đã gắn với giây phút cuối cùng của cuộc đời Lor-ca. Cái chết của người nghệ sĩ ấy và những phẩm chất tài năng của anh đã bắt gặp hồn thơ Thanh Thảo làm nên thi phẩm tuyệt bút này.
1.   Cuộc đời của Lorca

"       Lorca lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái chết. Điều  ấy tràn cả vào thơ ông. Ông đã từng kêu lên thảng thốt: Tôi không muốn nhìn thấy máu. Nhưng rồi, vào cái ngày định mệnh 19-8-1936, máu đã chảy tràn khắp đất nước Tây Ban Nha. Và máu ấy lại là máu của đứa con trung thành và vĩ đại của xứ bò tót dũng mãnh.

      Cuộc  đời Lorca là một chuỗi dài những ngày rong ruổi qua những miền kí ức rời rạc, để rồi người chứng nhân và truyền lại cho hậu thế là những sáng tác của chính ông. Thanh Thảo đã chắp nối chúng lại thành một cuộc đời, và viết tiếp sự giải thoát cho cái chết đớn đau của cuộc đời ấy bằng Đàn ghita của Lorca.

      Đi tìm trong nhân gian, sẽ chẳng có mấy người nghệ sĩ  thống thiết với tình yêu nghệ thuật đến độ: Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita (Lorca). Người nghệ sĩ ấy khẩn cầu nhân gian chôn mình chung với cây đàn – với tình yêu của mình – để ở đâu đó nơi miền cực lạc, mình được ôm cây đàn cất lên một ngẫu khúc cho đỡ nhớ thương nghệ thuật. Và hãy chôn tôi chung với nghệ thuật của tôi, để nghệ thuật không bị ám ảnh bởi đỉnh cao của ai đó, để nghệ thuât vượt lên, tiếp tục hành trình cách tân của mình. Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita. Một câu thơ (trong bài Ghi nhớ của Lorca) đọc lên đã thấy hình ảnh cái chết hiện về. Một gương mặt ngậm cười như chấp nhận với cái chết đã đoán trước được và đã chuẩn bị đủ mọi hành trang, kể cả di chúc. Nhưng đôi mắt thì tha thiết buồn, khát khao sống, khát khao rong ruổi, khát khao cống hiến, khát khao hát và viết. Vì thế mà trong lòng nhân loại, cái chết ấy trở nên tức tưởi, đau đớn. Thanh Thảo đại diện cho nhân loại cất lên tiếng khóc:
          2.Lorca lúc sinh thời

                  những tiếng đàn bọt nước
                  Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
                  li-la li-la li-la
                  đi lang thang về miền đơn độc
                  với vầng trăng chếnh choáng
                  trên yên ngựa mỏi mòn...

      Khổ  thơ như lời tự sự kể lại cuộc  đời Lorca mà Thanh Thảo là nhà chép sử  cần mẫn và đầy nhạy cảm. Mỗi chi tiết trong bài thơ đều gợi lại hình ảnh của Lorca, chàng nghệ  sĩ, người chiến sĩ cách mạng có lí tưởng cao đẹp nhưng số phận bất hạnh. Fe-de-ri-co Gar-ci-a Lor-ca là một người Tây Ban Nha. Anh sinh năm 1898, đúng vào giai đoạn chủ nghĩa phát xít Franco đang hoành hành trên xứ sở bò tót. Vì thế mà, như mọi thanh niên khác, anh đảm nhiệm vai trò một người chiến sĩ, chiến đấu hết mình vì tự do. Và với thiên chức trời ban, anh còn là con chim họa mi vàng của xứ Espagna. Tài năng và niềm khát khao tự do đang độ phát triển, thì anh bị bọn phát xít thủ tiêu. Xác ông được tìm thấy trong đống xác 1500 người bị bắn vào ngày 19/8/1936 trên miệng một vực sâu gần Granada. Tóm lược lại những điều trên, ta mới thấy khổ thơ đầu bài thơ dường như đã tóm lược được tình yêu và cuộc đời Lorca. Bài thơ mở đầu với hình ảnh  những tiếng đàn bọt nước ngay lập tức gọi cho ta cái gì đó mong manh, chông chênh, và vụn vỡ. Nói chính xác hơn là cuộc đời Lorca mong manh, chứ không phải nghệ thuật của ông mong manh, mà nó mạnh mẽ, khát khao như tình yêu của ông. Câu thơ mở đầu gợi cảm giác mỏng manh, xót thương theo người đọc suốt cả bài thơ. Liền tiếp đó, tác giả giới thiệu với người đọc Lorca là người Tây Ban Nha, để lỡ ai đó chưa biết gì về ông, cũng hình dung được một thanh niên choàng trên vai chiếc áo choàng đỏ gắt oai vệ chiến đấu với những con bò tót, giữa một đấu trường mấy nghìn khán giả. Và còn một đấu trường lớn hơn trên đất nước bò tót này, đó là đấu trường giữa phe phát xít và dân tộc Tây Ban Nha. Cuộc chiến không hề cân sức và có hậu cho những con người thực thụ.

Câu thơ chậm lại với tiếng lila lila lila mang âm hưởng dân ca Tây Ban Nha vang về đâu đó trong kí ức, nghe tha thiết, dìu dặt, mà đau đớn, xót thương. Trong tiếng đàn ấy, Lorca đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn... Một miền đơn độc, một vầng trăng chếnh choáng, một yên ngựa mỏi mòn. Tất cả gợi về sự mòn mỏi trong tâm hồn, nhưng bước chân thì không hề chùn lại, hay hẫng hụt. Mỏi mòn trong tâm hồn dễ hiểu bởi những tiên cảm về cái chết. Người ta làm sao có thể thôi đừng mệt mỏi khi cái chết luôn chực sẵn ở đâu đó trên mỗi con đường ta qua!? Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, mà chưa bao giờ bước chân Lorca chùn lại trước khó khăn nào. Thế mới thấy tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ tự do ấy lớn thế nào.
          3.Hình ảnh cái chết của Lorca

      Trong khổ thơ tiếp theo, Thanh Thảo khắc họa hình ảnh một người nghệ sĩ yêu đời:
                  Tây Ban Nha
                  hát nghêu ngao
      Như  bao chàng trai trẻ khác, yêu đời, chuộng tự  do để có thể nghêu ngao hát trên bất cứ  vùng đất nào của đất nước. Là người nghệ  sĩ, còn gì vui sướng hơn được rong ruổi trên những con đường mình muốn qua, cất lên lời ca tiếng hát. Nhưng đọc Đàn ghita của Lorca, nốt nhạc vui nào cũng gọi về những dự cảm không lành. Chẳng thể trách Thanh Thảo sao lại phá đi những giây phút êm đềm. Bởi cuộc đời vốn thế đó thôi!

                  bỗng kinh hoàng
                  áo choàng bê bết đỏ
                  Lorca bị  điệu về bãi bắn
                  chàng đi như người mộng du

      Tôi nhớ đã từng xem một bộ phim về hồn ma một bé gái. Cô bé ấy cũng có cái chết tức tưởi như Lorca. Đến mấy thế kỉ trôi qua, khi đã là một linh hồn già cỗi, cô bé  mới gặp được một con người đồng điệu. Cô  bé ấy đã đưa giấc mơ người ấy về quá khứ, chứng kiến cuộc đời của cô ấy. Như một cách giãi bày tiếng khóc đã hàng thế kỉ. Lorca có bao giờ về lại trong giấc mơ Thanh Thảo chưa nhỉ!? Trở về và một lần kể câu chuyện cuộc đời mình, một lần được nhói lòng với ai đó, một lần được cất tiếng khóc khi tiếng súng giết chết mình vang lên. Chiếc áo choàng đỏ gắt được nhắc đến với niềm tự hào trên kia, giờ bê bết đỏ. Cũng là màu đỏ đó thôi! Nhưng mỗi màu đỏ nó khác nhau: Một màu đỏ gắt của truyền thống, một màu đỏ bê bết của máu. Giây phút trong dự cảm đến rồi đây! Chàng bước ra bãi bắn như một người mộng du. Cô bé trong bộ phim tôi kể đã bước đi qua những đau khổ bằng đôi mắt lạnh tanh của thời gian và sự chua chát, nhưng đã giật mình nhói đau khi chiếc ghế dưới chân mình bị bọn cướp biển đá đi, và xác mình treo lủng lẳng trên xà nhà. Lorca cũng đi qua sự chua chát, cũng có không ít thời gian chuẩn bị cho cái chết, nhưng giống cô bé ấy, cũng nhói đau lúc lưỡi liềm thần chết kề vào cổ.

      Thanh Thảo đã chọn thời điểm bi phẫn nhất cuộc  đời Lorca để khắc họa. Vẫn biết, là người mang sứ mệnh cách tân, là người chiến sĩ là chấp nhận cái chết vui sướng như cày xong thửa ruộng, nhưng sao vẫn cứ thấy uất nghẹn mỗi khi nhắc về. Đã sinh ra cái đẹp, sao còn có sự bạo tàn?! Đã có tiếng hát yêu đời đến thế của người nghệ sĩ, sao còn có tiếng súng bi phẫn làm tắt lịm câu hát nghêu ngao?
      Tôi bỗng nhớ về cuốn tiểu thuyết Gắng sống đến bình minh của tác giả người Nga nào đó tôi không nhớ rõ tên. Cuốn tiểu thuyết kể về một người lính trong đêm trước khi rời xa thế giới. Đơn vị của anh bị địch tiêu diệt hoàn toàn. Anh cũng trúng đạn địch, bị thương rất nặng. Trong giây phút nằm trong rừng, chợt nhiên anh muốn nhìn thấy bình minh. Thế là anh bắt đầu hành trình dài hơn bao giờ hết trong cuộc đời. Trong đêm tối mịt mùng, anh trườn qua một chặng đường dài, đến quãng rừng trống có thể nhìn thấy bình minh. Anh chết khi bình minh sáng rực rỡ trên những tán lá rừng lấp lánh.
           4.Sau cái chết cuả Lorca 
      Lorca cũng đã có một cuộc hành trình dài trước khi chết. Anh đi qua hết tiếng đàn mình:
                  tiếng ghi-ta nâu
                  bầu trời cô gái ấy
                  tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
                  tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
                  tiếng ghi-ta ròng ròng
                  máu chảy

      Mỗi khi đọc Đàn ghita của Lorca, một cảm giác ớn lạnh lại chạy dọc sống lưng tôi, giống như lúc đọc những vần thơ ngập ngụa thế giới si mê của tử thần của Lorca. Dường như Thanh Thảo đã khắc họa được đúng cái chất Lorca ngay cả ở vần điệu, âm sắc, hình ảnh. Một người nghệ sĩ không ngất ngưởng, không ngông, nhưng tự do, lí tưởng. Bởi thế mà Đàn ghita của Lorca không hề có dòng nào viết hoa, không một dấu câu, không chủ ý bắt vần. Chảy vào lòng người đọc, chỉ có thơ, tình yêu, và tự do. Hình ảnh trong bài thì biến đổi sắc thái liên tục. Mới nghêu ngao hát đó, vậy mà đã áo choàng bê bết đỏ. Khổ thơ này cũng vậy. Từ bầu trời cô gái ấy, tiếng ghita đã hiện về như máu chảy ròng ròng. Sự biến đổi tự nhiên như chính cuộc đời Lorca chảy hết cả vào thơ vậy.

      Một loạt ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được tác giả sử dụng để khắc họa trọn những cung bậc của tiếng đàn.

                  tiếng ghi-ta nâu
                  bầu trời cô gái ấy
                  tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
      Tiếng đàn không chỉ còn là âm thanh, mà đã hóa thành màu sắc. Tôi bỗng muốn biết về cô gái Lorca yêu. Cô gái nào vậy nhỉ!? Mà bầu trời cô gái ấy tràn ngập gam màu nâu ấm áp, gam màu nâu của gỗ rừng, của socola ngọt ngào, của cafe đắng, của hương vani dịu ngọt, và gam màu nâu của một tình yêu nồng nàn, say đắm. Hay đó là màu da của những cô gái Digan? Những cô gái đã ấn lá bùa của mình lên trái tim chàng!? Để chàng tha thiết yêu cuộc đời.

      Tiếng đàn còn hóa thành màu xanh của lá. Đó là tiếng ghita yêu đời của một thời nghêu ngao hát, một thời ngập tràn hi vọng, một thời tha thiết yêu nghệ thuật, tha thiết yêu tự do, nên thấy cuộc đời này thật hạnh phúc.
      Rồi Lorca nhớ về tiếng ghita của mình những tháng ngày khủng khiếp:

                  tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
                  tiếng ghi-ta ròng ròng
                  máu chảy
      Hình ảnh bọt nước đầu bài thơ trở lại. Nhưng lúc này, bọt nước đã vỡ tan. Tiếng đàn đã có hình khối, có linh hồn mong manh, và có số phận đớn đau. Tất cả đã vụn vỡ dưới chân như vụn của miếng kính bị đập nát. Và máu ròng ròng chảy. Có lẽ, nghĩ đến đây, Lorca bỗng nhiên nhói lòng, và nước mắt bắt đầu chảy ra đầy uất nghẹn, nên câu thơ cuối tắt lại, chỉ còn hai chữ: máu chảy. Trong trường ca Những người đi tới biển, Thanh Thảo từng viết:

      Chúng tôi đã đi không tiếc  đời mình
      Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
      Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì  còn chi Tổ quốc?

      Đó có lẽ là tâm trạng Lorca lúc này: Chấp nhận cái chết như lẽ tự nhiên trong đời chiến sĩ, nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?

      Rồi chẳng ai chôn cất tiếng đàn cả, như điều Lorca mong muốn. Có lẽ, người đời muốn tiếng đàn ông mãi cất lên giữa cuộc đời. Chỉ có mình Lorca, với ước mơ cách tân nghệ thuật, mới hiểu, nếu không chôn đi cái cũ, thì cái mới chẳng thể nào phát triển được. Tiếng đàn Lorca tiếp tục ngân nga giữa những trái tim yêu tiếng đàn ông, tiếp tục mọc lên không định hướng như cỏ mọc hoang níu giữ bước chân người đi. Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi, mình sẽ nhẫn tâm chôn đi tiếng đàn của Lorca để thực hiện di nguyện của ông, hay sẽ mãi là những giọt nước mắt vầng trăng? Tôi không biết, và có lẽ nhân loại cũng không biết. Nên một ngày, một tháng, một năm, một trăm năm trôi qua, long lanh trong đáy giếng vẫn là những giọt nước mắt vầng trăng. Cuộc đời Lorca là một nỗi đau lớn, còn mãi với trời đất, nhưng đó là một nỗi đau rất đẹp. Khi ta nói:

      giọt nước mắt  vầng trăng có nghĩa nỗi đau và sự vĩnh hằng.
      giọt nước mắt của vầng trăng có nghĩa đất trời khóc thương cho cái chết của Lorca.
      giọt nước mắt như vầng trăng có nghĩa nỗi đau lớn của Lorca và người đời trước cái chết oan khuất của ông.
      Dù  ở khía cạnh nào cũng nói lên sự vĩnh hằng của Lorca. Vậy phải chăng di nguyện của Lorca là quá  sức với nhân gian!?
      Kia rồi! Lorca đã đến được vơi nơi bình minh tỏa sáng:
. Đọc liên văn bản, ta mơ hồ liên tưởng đến Trương Chi - Mị Nương, và Mỵ Châu – Trọng Thuỷ. Khi giọt nước mắt Mỵ Nương rơi xuống, ly ngọc của Trương Chi đã vỡ tan những ước mơ hạnh phúc. Và khi đem ngọc từ những con trai ăn máu của Mỵ Châu ở ngoài biển, về rửa ở giếng Trọng Thuỷ, ngọc trở nên long lanh. Nếu liên tưởng như thế, tứ thơ của Thanh Thảo hiện lên sâu sắc một tình xót thương. Tiếng sáo là cầu nối trong tình yêu Trương Chi-Mỵ Nương , ngọc trai là cầu nối trong tình yêu Mỵ Châu -Trọng Thuỷ. Có thể hai hình ảnh này để lại ấn tượng tạo nên tứ thơ của Thanh Thảo, trong đó trăng là cầu nối. Tôi tin rằng điều ấy có thể, bởi với bất cứ người Việt Nam yêu văn chương nào, đều có trong sâu thẳm hồn mình câu chuyện Trương Chi-Mỵ Nương, đều yêu mến và sự cảm thông cho những lứa đôi yêu nhau mà ước vọng không thành. Để rồi hình ảnh ấy, như từ vô thức của nhà thơ Thanh Thảo, hiện về.

giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng đọng lại nỗi xót thương sâu thẳm Thanh Thảo dành cho Lorca
          5. Lorca thanh thản ra đi 
      Kia rồi! Lorca đã đến được vơi nơi bình minh tỏa sáng:
                  đường chỉ tay đã đứt
                  dòng sông rộng vô cùng
                  Lorca bơi sang ngang
                  trên chiếc ghi-ta màu bạc 
                  chàng ném lá bùa cô gái di-gan
                  vào xoáy nước
                  chàng ném trái tim mình
                  vào lặng yên bất chợt 
                  li-la li-la li-la...
Theo quan niệm của người phương Đông, số phận của một con người đều đã được định đoạt sẵn và nó được viết lên bàn tay chúng ta qua những đường chỉ tay. Như vậy, đứng từ quan niệm, góc nhìn của người phương Đông, cái chết của Lorca là một điều nghịch lí :
                                        đường chỉ tay đã đứt
          Đường chỉ tay có thể là ngắn, có thể là dài nhưng không thể đứt được ! Cũng như số phận của Lorca, cuộc đời ông phải đến đây là chấm dứt, vì sao ông phải chết ? Phải chết vì ông là một thiên tài ? Phải chết vì ông là một người yêu nước và có khát vọng cách tân nghệ thuật đến cháy bỏng ? Phải ! Lorca đã chết vì những lí do đó. Ông đã đơn độc chống lại chế độ độc tài thân phát xít, và chính chế độ đó đã huỷ diệt ông, chính chế độ đó đã cắt đường chỉ tay của ông. Cái chết của Lorca là một điều hoàn toàn phi lí khi đứng trên quan niệm về cuộc đời của người phương Đông.
          Con về phần phương Tây ? Phương Tây cũng có một số quan niệm về cuộc đời và cái chết, nhưng điều mà Thanh Thảo nói tời ở đây là quan niệm về một dòng sông huyền bí, dòng sông chảy giữa trần thế và cõi vĩnh hằng.
          Trước tiên, chúng ta hãy nói đến thần chết (đây cũng là nhân vật xuất hiện trong quan niệm về cái chết của người phương Tây). Nếu ai đã từng đọc truyện “Thần chết là cha đỡ đầu” trong “Truyện cổ Grim” thì ắt hẵn biết ngay thần chết là một người như thế nào. Thần chết là vị thần công bằng nhất trên thế gian, ông không để ai sống quá thời hạn của mình dù chỉ là một giây và cũng không để ai chết trước lúc mình phải chết. Thần chết không ai khác chính là người đưa đò qua dòng sông đã nói ở trên. Trong thần thoại Hy Lạp, đã có không ít người muốn qua bên kia sông, vào thế giới vĩnh hằng để làm công việc của mình. Và thần không bao giờ chở bất kì một người sống nào qua sống. Như vậy, theo quan niệm của người phương Tây, nếu Lorca muốn sang thế giới bên kia buộc ông phải đi trên con đò của tử thần. Nhưng Lorca đã không làm như vậy :
                                        Lorca bơi sang ngang
                                        trên chiếc ghita màu bạc
          Tử thần đã từ chối việc Lorca phải sang thế giới bên kia, ông không được phép đi trên con đò dành cho những người đã chết mà phải tự bơi. Vậy phải chăng Lorca chưa đến lúc phải chết, nhưng phải chết. Chính trong quan niệm của người phương Tây thì cái chết của Lorca cũng là một nghịch lí vì chính tử thân cũng không thể chấp nhận ông.
          Như vậy, cả Đông và cả Tây, đâu đâu cũng thấy được sự trái ngang trong cái chết của Lorca. Cái chết của Lorca đã làm chấn động đến những con người ở phương Đông, đến những con người ở phương Tây, hay nói theo một cách khác, điều đó đã làm chấn động cả thế giới.

          Lorca ra đi “trên chiếc ghita màu bạc”, nhiều người đã từng thắc mắc về chiếc ghita màu bạc này. Vì sao lúc là “chiếc ghita nâu”, lúc thì màu bạc ? Hãy xem lại câu đề từ của bài thơ “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn” (Lorca); khi chết đi, Lorca một mặt muốn mang theo tình yêu nghệ thuật của mình sang thế giới bên kia, một mặt muốn chôn vùi nghệ thuật của mình ở nơi vĩnh hằng để nền nghệ thuật sau ông có sự cách tân, có sự đổi mới và vượt qua cả ông. “chiếc ghita màu bạc” này phải chăng là biểu tượng lung linh của tình yêu nghệ thuật và nhân cách của một người nghệ sĩ vĩ đại. Đó là hình ảnh đã được biểu tượng hoá trở thành hỉnh ảnh bất tử trong lòng người yêu mến tài năng của Lorca – người nghệ sĩ du ca. Tuy nhiên ước vọng cuối cùng của con người nhân văn là ước nguyện siêu thoát. Đáng nói là sự siêu thoát đó đến từ chính Lorca, người chủ động trên hành trình giải thoát của mình:

chàng ném lá bùa cô gái di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt


Có sự “tương đồng siêu thực” giữa “xoáy nước” (động) và “lặng yên” (tĩnh). “Ném lá bùa”, “ném trái tim”, vào xoáy nước, vào lặng yên những hành động dứt khoát không hề bi lụy, một sự rủ bỏ mọi vướng mắc bụi trần đến tuyệt đối. Hình tượng thơ cuộn sóng lên lần cuối rồi lặng im trong dáng vẻ vĩnh hằng, trong hư vô ngập tràn. Lorca đã đi đến tận cùng của giải thoát.

Bốn dòng thơ thực chất chỉ hai câu thơ mà lại được điệp rất nhiều từ ngữ. Ngoài động tác “ném” hai câu thơ còn có mối liên kết rất siêu thực “lá bùa cô gái” và “trái tim”. Ở đây như có mối liên hệ giữa lá bùa cô gái và trái tim, ta ngỡ như đấy là chuyện tình yêu. Hình ảnh cô gái đầu bài thơ (bầu trời và cô gái ấy) đến đây hiện rõ hình hài hơn (cô gái di-gan). Cô gái và trái tim, đích thị là chuyện tình cảm nam nữ rồi. Thế nhưng dường như còn có cách cắt nghĩa khác. Giữa cô gái di-gan và trái tim đó là hai khách thể độc lập, chẳng liên quan gì nhau. Chàng ném lá bùa (có lẽ là bùa yêu hay bùa hộ mạng) tương tự như cách ném trái tim. Trái tim đồng nghĩa với tình yêu thương, nhưng tình yêu thương lại luôn gây nhiều phiền toái. Khi mặt đất cằn khô tình người vì các thế lực xấu xa hoành hành thì trái tim kia thà “quẳng đi” còn hơn phải chịu quằn quại dưới ách bạo tàn.

Mặt khác trái tim còn đồng nghĩa với năng lực sáng tạo. Trái tim bị ném đi khi thế gian đầy ắp độc tài không còn thơ cho những con người chân chính. Nhưng trái tim đó vẫn đợi tái sinh. Đến đây liên văn bản lại phát huy sức mạnh, qua tiếng ngân của điệu nhạc trái tim: li-la li-la li-la...

Sự tái sinh không chỉ hiện hình qua hình ảnh sang sông đầy triết lí nhà Phật mà còn đến từ chi tiết “tiếng đàn như cỏ mọc hoang” gợi sự sống bất diệt trong Lá cỏ của Walt Whitman, thi hào nổi tiếng của Hoa Kỳ. Whitman từng ngợi ca ngọn cỏ vì sự sống khiêm nhường mà bất tử. Nơi nào có sự sống, nơi đó có cỏ. Nơi không còn loài cây nào có thể tồn tại, thì cỏ vẫn có thể mọc xanh tươi. Vậy nên, khi chết nhà thơ mong muốn được tái sinh làm ngọn cỏ.

Tứ thơ “tiếng đàn ngọn cỏ” mở ra trường liên tưởng mênh mông về thời gian (Whitman sống vào thế kỉ 19) về không gian (Tây Ban Nha – Hoa Kỳ – Việt Nam), về sự sống và sự bất tử, về cái nhất thời và lẽ vĩnh hằng. Cái xấu, cái ác trong nhưng hoàn cảnh nào đó có thể chiến thắng nhưng thường xuyên chúng phải khuất phục trước những chân lí tiến bộ của loài người.

Giai điệu tiếng nhạc ngựa, tiếng đàn, tiếng vũ điệu flamenco li-la li-la li-la từ đầu bài thơ được dùng để kết bài đã tạo nên một vòng tròn. Cái vòng tròn chuyển tải nhiều tầng liên tưởng. Một cái vòng tròn biểu thị “không” trong triết lí của Phật giáo. Một vòng tròn biểu thị sự cáo chung của kiếp đời. Một vòng trong biểu thị sự luân hồi, tái sinh. Một vòng tròn biểu thị sự quẩn quanh của số kiếp… Có bao nhiêu tâm trạng, bao nhiêu sự hiểu biết của người đọc thì sẽ có bấy nhiêu tầng nghĩa được tái sinh trong văn bản. Liên văn bản của Siêu thực đã đạt đến cảnh giới phi phàm của thi ca.

            Bài thơ đã rất thành công khi tạo dựng một tượng đài Lorca bằng ngôn ngữ của thơ và âm nhạc. Với lối thơ không viết hoa đầu dòng, cảm xúc liền mạch, Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một mĩ cảm hiện đại giàu tính sáng tạo. Sự trộn lẫn giữa trường phái tượng trưng siêu thực và sức sáng tạo của Thanh Thảo đã cho ra đời một tuyệt bút đầy ngẫu hứng giàu chất nhạc. Trên hết là nhà thơ đã mang đến cho người đọc một tình yêu vô bờ bến đối với nhà thơ nhân dân chống phát xít bạo tàn. Bất kỳ một cuộc chiến nào cũng có người chiến thắng và kẻ bại trận nhưng những người biết hi sinh vì mọi người luôn luôn là người anh hùng với chiến thắng vĩ đại nhất. Gacxia Lorca là một người như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét