Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

NGUỒN GỐC CÂU ĐỐI NGÀY TẾT

Câu đối và câu đối tết – một thú chơi độc đáo, tao nhã của người xưa

http://tin180.com/wp-content/blogs.dir/6/files/2010/02/1104510.jpg
Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu giấy đỏ 
Bên phố đông người qua.
…………………………….
Mỗi năm xuân về Tết đến, lẩm nhẩm mình ngâm cho mình nghe bài thơ trên của Vũ Đình Liên, lòng tôi lại nao nao một nỗi niềm khó tả. Tôi nhớ đến câu nói của nhà phê bình Hoài Thanh: “Tôi thấy Vũ Đình Liên còn bao điều muốn nói, cần nói mà nghẹn ngào không nói được” (Thi nhân Việt Nam). Đấy có lẽ không phải giản đơn là một nỗi niềm hoài cổ mà là một dự cảm về sự mất mát, lụi tàn của nền văn hóa truyền thống phương Đông trước sức ép của văn hóa phương Tây. Cái thú chơi câu đối Tết độc đáo, tao nhã ấy chỉ là một trong nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang mai một dần. Liệu chúng ta có giữ được bản sắc của mình? Ngày nay, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vào những ngày áp Tết, chúng ta cũng thấy có những khu vực, những đoạn đường nhộn nhịp, sôi nổi với những gian trưng bày thư pháp, viết câu đối. Số người trẻ tuổi tham gia hoạt động văn hóa đáng quý này khá nhiều. Tôi thấy vui nhưng cũng hơi thấy tiếc. Vui vì thấy một nét đẹp văn hóa truyền thống đang dần sống lại. Còn tiếc là vì các “ông đồ” ấy phần lớn viết bằng chữ quốc ngữ La-tinh. Cũng có một số người viết bằng chữ Hán chữ Nôm, tuy “nội công chưa được thâm hậu” lắm, nhưng vẫn là một tín hiệu đáng quý của văn hóa Việt. Ước gì những “ông đồ” thời @ có thể kéo những nét sổ, đưa những nét mác bay lượn trên mặt giấy như phượng múa rồng bay chẳng khác gì “ông đồ” ngày nào của Vũ Đình Liên. Vì sao tôi lại tiếc và ước như vậy? Ắt có nguyên do của nó. Những dòng trình bày dưới đây có thể lí giải phần nào điều đó.
1. Câu đối là gì?
Câu đối là một cặp câu sóng đôi, đối nhau thường được treo hoặc dán trên cột hoặc tường. Người Trung Quốc gọi là đối liên 對聯 (liên là cặp câu đối nhau, câu đối; đối là sóng đôi, đối nhau; đối liên là một cặp câu sóng đôi, đối nhau), còn được gọi là doanh liên楹聯 (doanh là cột; doanh liên là cặp câu đối dán lên cột), hoặc doanh thiếp楹帖 (thiếp là mảnh giấy hoặc lụa nhỏ có viết chữ; doanh thiếp là mảnh giấy viết câu đối dán lên cột). Người Việt trước đây còn gọi ngắn gọn là liễn(đọc trại từ liên).
Câu đối là một hình thức nghệ thuật đặc thù, dùng ngôn ngữ miêu tả sự vật khách quan, biểu đạt tư tưởng tình cảm của con người. Đối liên vốn có nguồn gốc từ thi , từ , được diễn hóa thành một loại hình riêng. Nó có đặc điểm của thi, từ, nhưng so với thi, từ thì được tinh luyện hơn, công phu hơn về tư duy đối ngẫu, vì vậy mà nó có sức hấp dẫn nghệ thuật đặc thù của riêng mình. Ở Trung Quốc và các nước đồng văn trước đây như Việt Nam, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, câu đối đã trở thành một thú chơi nghệ thuật đặc sắc, vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật văn chương, thư pháp, vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm linh của con người.
Do chữ Hán, chữ Nôm là loại văn tự khối vuông, kết cấu văn tự đặc thù, một chữ dù ít hay nhiều nét đều nằm trong một ô vuông đồng đẳng (chính vì vậy mà khi viết câu đối bằng chữ quốc ngữ La-tinh người ta phải sắp xếp chữ thành hình khối vuông hoặc tròn), hơn nữa nó dùng để ghi loại ngôn ngữ đơn tiết tính, một âm tương ứng với một chữ (tự), ngôn ngữ lại có thanh điệu cân xứng đối ứng, nên đó là những đặc tính lí tưởng để hình thành loại hình nghệ thuật đặc thù là câu đối. Về mặt không gian thì chữ đối với chữ; về mặt âm thanh thì tiếng đối với tiếng; về mặt thanh điệu thì bằng đối với trắc; ngoài ra còn phải kể đến lối chơi chữ về mặt hình tượng như chiết tự. Những đặc tính độc đáo đó các ngôn ngữ biến hình, đa âm, sử dụng mẫu tự ghi âm trải dài theo không gian chiều ngang như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga,…không có, và tất nhiên các ngôn ngữ này không thể tạo lập một loại hình nghệ thuật độc đáo như vậy được.
Câu đối là một loại hình nghệ thuật điển nhã, tinh luyện, mang tính thẩm mĩ cao, nó đòi hỏi người viết phải hàm dưỡng đầy đủ vốn từ vựng, các biện pháp tu từ, khả năng diễn đạt,… Các thủ pháp biểu đạt của nó nhiều hình, nhiều vẻ: hoặc là thuật vật tả cảnh, hoặc là vịnh vật ngôn chí, hoặc trữ tình ngụ ý, hoặc hoài cổ tỏ lòng, hoặc khen thiện ngăn ác… Người sáng tác câu đối phải luôn chú ý đến việc lựa chọn, gọt giũa từ ngữ, sao cho cấu tứ tinh diệu, tạo nên một thế giới đầy ắp tình cảm, cấu tứ kì lạ, hình tượng tươi mới để hiến tặng độc giả, đưa người đọc vào chốn danh thắng, khiến người đọc trầm tư mặc tưởng với những ý vị sâu xa, mở lối cho người đọc đi vào cảnh giới chân-thiện-mĩ. Số chữ trong một câu đối có thể nhiều ít khác nhau, nhưng chứa đựng đủ cả tư tưởng, tình cảm, kiến thức, trí tuệ, khả năng ứng xử, tài năng ngôn ngữ của người viết. Làm và đọc một câu đối hay đem lại sự thích thú, tâm đắc cho người sáng tác và người thưởng thức. Câu đối có tư tưởng lành mạnh, nghệ thuật tinh diệu, trí tuệ sâu sắc sẽ được người đời lưu truyền thưởng thức, sống mãi trong tâm thức cộng đồng. Câu đối gắn liền với thư pháp, với hội họa. Vì vậy, thưởng thức câu đối không chỉ bằng óc, bằng tim, bằng tai mà còn bằng mắt. Không trực tiếp nhìn những nét chấm, nét sổ, nét phẩy, nét mác,…đậm nhạt, mạnh mẽ, mềm mại hằn trên thân gỗ; không tận mắt ngắm những nét du ti xơ xác, mong manh giăng trên mặt giấy thì việc thưởng thức câu đối thiếu đi một phần nhã thú.
Thời xưa, ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, tư duy đối ngẫu đã được chú ý truyền dạy và rèn luyện ngay từ lúc trẻ con học khai tâm. Khi đã qua sơ học rồi thì học trò phải tập làm câu đối để rèn luyện kĩ năng, để chuẩn bị viết thơ phú, kinh nghĩa, văn sách… Vì vậy mà ngày xưa trong giao tiếp, người ta hay dùng câu đối để thử tài văn chương chữ nghĩa, trình độ học vấn, năng lực trí tuệ và cả thiên hướng, tương lai của cá nhân. Ở Việt Nam lưu truyền rất nhiều giai thoại về năng lực ứng đối mẫn tiệp của các danh nhân trong các cuộc thử tài bằng câu đối, trong đó có không ít giai thoại nói về tài ứng đối của các sứ thần Việt Nam khi đi sứ Trung Quốc hoặc các triều thần Việt Nam ứng đối với sứ thần Trung Quốc. Những giai thoại đó không những ca ngợi tài hoa, trí tuệ của danh nhân mà còn khẳng định niềm tự hào dân tộc, rằng Việt Nam không thua kém gì Trung Hoa (vô/bất tốn Trung Hoa).
Giai thoại ứng đối giữa sứ thần Việt Nam với triều đình Trung Quốc thì rất nhiều. Chẳng hạn, có cả một chuỗi giai thoại về tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ Trung Quốc. Tương truyền năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được vua Trần Anh Tông cử đi sứ nhà Nguyên. Do mưa to gió lớn nên sứ bộ nước ta qua cửa ải trễ ngày giờ hẹn định. Viên quan giữ cửa ải đóng chặt cửa không cho sứ bộ đi qua. Sau đó họ vứt xuống một vế đối hết sức hiểm hóc, bảo đối được thì cho qua. Vế đối như sau:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan!
(Qua cửa trễ, cửa quan đóng, mời khách qua qua cửa!)
Vế ra có 3 chữ quá, 4 chữ quan lặp lại, ý lại thách thức sứ bộ Đại Việt tìm cách mà qua cửa ải. Mạc Đĩnh Chi thấy đối chuẩn về từ không phải dễ nên linh hoạt chọn cách đối ý rằng:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối!
(Ra đối dễ, đáp đối khó, mời tiên sinh đối trước!)
Viên quan giữ cửa ải phục quá, hô binh lính thắp đuốc, mở cửa quan cho sứ bộ Đại Việt đi qua.
Người phương bắc có ý chê tiếng Việt ríu rít, nên ra đối châm chọc rằng:
Quách khiếu tường đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.
(Đầu tường chèo bẻo bàn Luận ngữ: Biết thì bảo là biết, không biết bảo không biết, ấy là biết)
Mạc Đĩnh Chi đáp lại ngay rằng:
Oa minh trì thượng độc Trâu thư: Nhạc dữ thiểu lạc nhạc, nhạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc?
(Bờ ao ếch ộp đọc Mạnh Tử: Cùng ít người vui nhạc, cùng nhiều người vui nhạc, nào vui hơn?)
Vế đối đọc lên nghe ộp oạp như ếch kêu, từa tựa như người phương bắc nói vậy. Mạc Đĩnh Chi đã giáng trả một cách đích đáng cái ý châm chọc, khinh thị của bọn quan lại triều đình phương bắc.
Cũng với tinh thần “vô tốn Trung Hoa” như vậy, tương truyền năm 1637, Giang Văn Minh được vua cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Đoàn sứ bộ đến Yên Kinh rồi nhưng bị cản trở, phải nằm chờ ở dịch xá mất cả năm trời. Để cho các sứ thần Đại Việt mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, vua nhà Minh lúc ấy là Sùng Trinh mới tiếp đón. Y ngạo mạn, cố ý ra vế đối nhằm hạ nhục sứ thần Đại Việt rằng:
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
(Cột đồng đến nay rêu đã phủ xanh)
Câu này có ý nhắc đến chuyện Mã Viện trồng cột đồng đô hộ Giao Chỉ thời xưa. Trước sự trịch thượng ra vẻ “thiên triều” ấy, Giang Văn Minh đã hiên ngang, dõng dạc đối lại:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
(Sông Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ)
Với vế đối của mình, Giang Văn Minh không những thể hiện bản lĩnh của người đại diện cho quốc gia mà còn tỏ rõ khí phách, niềm tự hào lịch sử oai hùng của cả dân tộc, đồng thời cho thấy sự thất bại thảm hại của kẻ mang dã tâm bá quyền nước lớn. Sùng Trinh cay cú đã ra lệnh bịt mũi, trám miệng rồi mổ bụng moi gan ông, bất chấp luật lệ bang giao. Vua Lê Thần Tông đã về tận Đường Lâm dự lễ an táng ông và ban khen “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ giả không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bực anh hùng nghìn đời).
2. Những nguyên tắc của câu đối
Một đôi câu đối gồm hai vế câu sóng đôi, song hành với nhau. Nếu câu đối ấy do một người sáng tác thì gọi là vế trên (thượng liên上聯) và vế dưới (hạ liên下聯). Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra  vế đối. Một câu đối do một người làm ra cả hai vế, khi treo hoặc dán lên thì vế trên phải nằm bên tay phải của người đọc và vế dưới thì bên tay trái (ta có thể gọi là vế phải  vế trái, hoặc vế a  vế b). Thông thường theo nguyên tắc, thì chữ cuối của vế trên phải là thanh trắc, còn chữ cuối của vế dưới phải là thanh bằng.
Theo nguyên tắc đối ngẫu, người viết câu đối phải tuân theo những nguyên tắc căn bản dưới đây thì câu đối mới được gọi là đối chỉnh hay đối cân:
Về mặt từ loại: từ tính của những chữ đối nhau phải tương đồng, tức danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ, phó từ đối với phó từ,…
Về mặt cú pháp: kết cấu cú pháp giữa hai vế đối phải tương tự, đối ứng nhau, chủ-vị đối với chủ-vị, động-tân đối với động-tân,…
Về mặt nhịp điệu: nhịp điệu giữa hai vế đối phải tương ứng, từ đơn âm tiết đối với đơn âm tiết, song âm tiết đối với song âm tiết,…
Về mặt nội dung: nội dung hai vế đối phải tương quan, phải gắn chặt với chủ đề, ý tưởng phải cân nhau, sóng đôi nhau.
Về mặt thanh luật: thanh điệu phải hòa hiệp, lên bổng xuống trầm tạo nhạc tính, bằng trắc đối ứng nhau, những chữ tương ứng nhau phải đối nhau về bằng trắc, nếu không đáp ứng toàn vẹn được thì ít nhất chữ cuối nhịp phải đối nhau, riêng chữ cuối câu thì nhất thiết phải đối nhau. Ví dụ:  B B T T B B T đối với T T B B T T B.
3. Phân loại câu đối
Thông thường có hai cách phân loại câu đối, phân loại theo nội dung, mục đích sử dụng và phân loại theo đặc điểm nghệ thuật. Cách thứ nhất dễ nhận diện và dễ phân loại hơn cách thứ hai. Vì vậy chúng tôi xin giới thiệu cách phân loại thứ nhất. Theo quan điểm phân loại câu đối trong hai công trình viết về câu đối của người Trung Quốc là Trung Quốc đối liên tinh túy  Trung Quốc cổ kim danh liên giám thưởng, chúng ta có thể phân câu đối ra thành những loại căn bản sau:
- Xuân liên 春聯: Câu đối Tết, chuyên dùng vào dịp tết Nguyên đán.
Tiết nhật liên節日聯: Câu đối lễ tiết, dùng vào các dịp lễ tết, như tết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, lễ Quốc khánh, lễ Nhà giáo,…
- Hôn liên婚聯: Câu đối cưới, dùng vào dịp cưới gả, lấy chồng lấy vợ.
- Thọ liên壽聯: Câu đối mừng thọ, dùng vào dịp mừng thọ ông bà, cha mẹ, các bậc trưởng thượng.
- Hạ sinh tử tôn liên 賀生子孫聯: Câu đối chúc mừng sinh con, có cháu, mừng tôi tôi,…
- Vãn liên 挽聯: Câu đối phúng điếu, dùng viếng người đã mất.
- Tu dưỡng lệ chí liên 修養勵志聯: Câu đối dùng để răn giới, khuyến khích tu dưỡng bản thân hoặc người khác.
- Trú trạch liên 住宅聯: Câu đối dùng để treo trong nhà, ở sảnh đường, từ đường, phòng khách, trước cổng, trong thư phòng, hoặc mừng tân gia,…
- Danh thắng cổ tích liên名勝古蹟聯: Câu đối dùng ở những danh lam cổ tích, thắng cảnh,…
- Công sở liên公所聯: Câu đối dùng ở các công trình công cộng như trường học, trụ sở cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hội quán,…
Nhìn chung, việc phân phân loại câu đối khá phức tạp, ngoài những loại kể trên còn có thể kể ra một số loại nữa, và trong một loại lại có thể tách ra thành nhiều loại, ngược lại cũng có thể gom những loại như hôn liên, thọ liên, hạ sinh tử tôn liên kể trên vào loại hạ liên (câu đối mừng), nhưng nếu như vậy thì loại này phồn tạp quá.
4. Câu đối Tết
Câu đối tết có từ lúc nào? Các thuyết đưa ra không giống nhau. Ở Trung Quốc lưu truyền rộng rãi thuyết cho rằng đối liên có nguồn gốc từ câu đối Tết, và câu đối Tết có nguồn gốc từ đào phù 桃符. Người ta cho rằng, vào thời Tần-Hán người dân ở Trung Nguyên đã có tục treo hai miếng gỗ đào trước cửa vào những ngày Tết. Trên hai miếng gỗ đó người ta vẽ hai vị thần bắt quỷ là Thần Đồ 神荼và Uất Lũy 鬱壘, tôn làm môn thần (thần giữ cửa) để trừ tà đuổi quỷ, cầu phúc cầu lành. Về sau, người ta chỉ viết tên Thần Đồ và Uất Lũy lên hai miếng gỗ đào chứ không cần vẽ hình nữa. Đến thời Nam Bắc Triều và thời Đường thì người ta lại viết câu đối chứ không viết tên hai vị môn thần. Theo sách Thục đào ngột của Trương Đường Anh thời Tống thì vua Hậu Thục thời Ngũ đại là Mạnh Sưởng vào ngày cuối năm đã lệnh cho học sĩ viết câu đối lên đào phù, sau khi đọc cho là không hay, bèn lấy bút tự đề rằng:
新年納餘慶 / 嘉節號長春
Tân niên nạp dư khánh  /  Gia tiết hiệu trường xuân
(Năm mới đầy phúc lớn  /  Tết đẹp gọi xuân dài)
Tương truyền đây là đôi câu đối Tết cổ nhất của Trung Quốc. Nhưng cũng có thuyết truyền rằng, người làm câu đối Tết đầu tiên là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương sau khi định đô ở Kim Lăng, một năm nọ trước tất niên đã truyền chỉ, bất luận là quan lại hay dân chúng, trước cửa nhà đều phải dán một đôi câu đối Tết. Đêm trừ tịch, Chu Nguyên Chương vi hành qua các phố phường để kiểm tra, thấy đâu đâu cũng ngập tràn màu sắc câu đối Tết. Nhưng khi ông tới cửa một nhà nọ thì thấy không dán câu đối, lấy làm lạ bèn hỏi thăm, hóa ra nhà kia làm nghề hoạn lợn nên ngại ngùng không muốn viết câu đối.  Chu Nguyên Chương bèn suy tới nghĩ lui, viết cho nhà ấy một đôi câu đối như sau:
 雙手劈開生死路 /  一刀割斷是非根
Song thủ phách khai sinh tử lộ  /  Nhất đao cát đoạn thị phi căn
(Hai tay khai mở đường sinh tử  /  Một mác cắt lìa gốc thị phi) 
Cả câu đối không có từ nào là “hoạn lợn” hay “thiến heo” cả, nhưng thể hiện đầy đủ cái nghề của nhà kia, đối ngẫu thì tinh diệu, khí phách lại hùng hồn. Do câu đối Tết được đích thân hoàng đế đề xướng, nên từ đấy về sau loại hình nghệ thuật này được sử dụng rộng rãi trong mọi trường hợp. Từ việc chúc mừng đến điếu viếng, từ danh thắng đến tư gia đều có mặt câu đối.
Ở Việt Nam ta cũng có khá nhiều giai thoại tương tự như vậy. Tương truyền vị minh quân Lê Thánh Tông thường đến ngày giáp Tết là ăn mặc giả dạng thường dân, vi hành xem chúng dân đón năm mới ra sao. Nhà vua thấy một ngôi nhà rách không có câu đối dán ngoài cửa, hỏi nguyên do thì chủ nhà thưa: “Phận nghèo, lại làm nghề hèn hạ nên không dám xin chữ ai cả”. Nhà vua hỏi làm nghề gì, thì biết người ấy làm nghề hót phân. Lê Thánh Tông bèn bảo người hầu lấy bút mực, giấy đào, viết ngay một câu đối tặng chủ nhà:
身衣一戎衣能擔世間難事 / 手持三尺劍盡收天下人心
Thân ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự;
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
Nghĩa là:
Mình mặc chiếc áo trận, gánh vác hết việc khó trong nhân thế;
Tay cầm thanh gươm dài, thu lấy cả lòng người dưới cõi trời.
Chiếc áo trận (áo giáp) giống như chiếc áo tơi của người hót phân. “Nhân tâm” nghĩa đen là lòng người, nghĩa bóng là cái từ lòng người mà ra. Thanh gươm dài 3 thước ám chỉ dụng cụ hành nghề của chủ nhà. Câu đối nói về nghề nghiệp hèn hạ của chủ nhà bằng khẩu khí đế vương.
Còn đây là câu đối Tết Lê Thánh Tông làm cho thợ nhuộm vải:
天下青黃皆我手  / 朝中朱紫總吾門
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ  /  Triều trung chu tử tổng ngô môn.
Nghĩa là:
Xanh, vàng trong thiên hạ thảy đều do tay tớ tạo  /  Đỏ, tía chốn triều đình tất cả từ nhà ta ra.
Qua câu đối, nhà thợ nhuộm hiện lên như vị chúa quyền uy thống lĩnh triều đình, cai quản thiên hạ.
Nhưng có lẽ đọc câu đối Tết của văn nhân mới thật là thú vị. Ngày xưa, Tết đến, hầu như nhà nào cũng dán những câu đối mừng năm mới. Đối ở trước cửa, đối trên bàn thờ, trên thân cột cái. Câu đối như một thức nhắm trí tuệ, một chén rượu tinh thần, một nén hương tâm linh. Bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh mà thiếu câu đối đỏ thì Tết thiếu hồn, mất vía đi nhiều lắm. Do vậy, cứ mỗi độ xuân về người ta sắm ít lễ mọn đến nhà các cụ đồ xin đôi câu đối, hoặc ra chợ làng lên phố huyện nhờ mấy cụ đồ tọa bên gốc đa, ngồi bên hè phố thuê viết đôi ba câu. Rất nhiều người một chữ cắn đôi cũng không vỡ, nhưng người ta vẫn thích chơi. Bởi vì đối với họ câu đối bày trên bàn thờ, dán trước cửa nhà ngày Tết thiêng liêng như nén nhang khấn tổ tiên, trời đất. Còn người có học, những bậc khoa bảng thì tự tay viết lấy dăm ba câu, không những để trang trí cửa nhà mà còn tỏ rõ chí mình. Cụ Tú thành Nam đã từng khai bút mừng năm mới rằng:
Nhập thế cục bất khả vô văn tự,
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài.
Huống chi mình đã đỗ Tú tài,
Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối.
Và người đời còn lưu giữ lại không ít những câu đối Tết ngông ngạo của ông, như:
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết;
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi.
Có lẽ cụ Tú Xương cũng phần nào “nhiễm” tính ngông của bậc tiền bối Nguyễn Công Trứ. Tương truyền, thuở hàn vi cụ Nguyễn viết câu đối mừng Tết lưu danh hậu thế rằng:
Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa;
Sáng mùng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
Đọc xong câu đối trên chắc ai cũng mỉm cười thuộc ngay. Bởi nó sinh động quá, chỉnh quá, độc đáo quá và…ngông nghênh quá! Ắt hẳn cái phong cách, cái giọng điệu này sẽ khiến người ta nghĩ đến một nhân vật nữa, đó là một nữ thi sĩ có cuộc đời “nửa hư nửa thực”, được Xuân Diệu tôn là “Bà Chúa thơ Nôm”. Nhắc đến câu đối trên của Nguyễn Công Trứ mà không mời bà khai bút mừng xuân thì e rằng thất lễ. Không khéo bà lại trách khéo: Cái anh Công Trứ kia hình như có mượn của Xuân Hương tui đôi ba chữ đó! Không tin thử đọc câu đối của tui đi! Nghe nhé!:
 Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ đến;
 Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.
Đúng là giọng điệu lấp lửng, cà khịa không lẫn được vào đâu của nữ thi sĩ họ Hồ rồi. Nhưng vì trước đây bà quên “đăng kí bản quyền” nên người ta cứ bảo “tương truyền là của bà”!
Câu đối Tết đáng lẽ ra phải hớn hở, vui tươi mới phải, nhưng nhiều khi ta thấy người viết bộc lộ một nỗi niềm xót xa, ngán ngẩm cho nhân tình thế thái, mừng xuân mà sao não nuột trong lòng. Tú Xương viết:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Còn cụ Tam nguyên Yên Đổ cáo quan về vườn, đóng vai một ông già mù, dường như thờ ơ, lãnh đạm cả với Tết với xuân:
Đêm ba mươi, nghe pháo nổ “đùng!”, ờ ờ... Tết!
Sáng mùng một, vấp nêu đánh “cộc!”, á à... xuân!
Thế rồi ông trách những người ham vui Tết, ông tự “AQ” với chính mình:
 Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó!
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo!
Lẩn khuất đâu đó trong câu đối là nỗi niềm của một nhà nho tuy trí sĩ, nhưng mà có giả mù, giả điếc được đâu!
Ngày nay Tết đến, đọc trên các báo, ta bắt gặp nhiều câu đối hay tươi vui đón xuân, hào sảng tinh thần dân tộc, thể hiện khí thế tiến lên xây dựng và bảo vệ cõi bờ, như câu sau đây của Nguyễn Văn Chương, tỉnh Bình Định:
Đại Việt kiên cường, bốn nghìn năm vững thế núi sông, giặc đến đường nào cũng bại;
Thăng Long mở rộng, trăm thập kỉ tạo hình đô hội, dân chung một ý tất thành.
Hoặc gửi vào đấy những vấn đề thời sự hôm nay, hi vọng đất nước mà ông cha để lại vững yên nghìn thuở:
Trên chính dưới liêm, cơ nghiệp Rồng Tiên bền vạn thuở;
Ngoài hòa trong thuận, cõi bờ Hồng Lạc vững nghìn thu.
(Tác giả: Lê Trâm Thư, TP. Đà Nẵng)
Nhưng, bên cạnh đó cũng có không ít câu bắt ta đối diện với hoàn cảnh khó khăn, vất vả của những người dân lao khổ, những người đã thầm lặng góp mồ hôi, nước mắt vào công cuộc tiến lên của đất nước. Đây là hình ảnh của một anh nông dân đi làm công nhân:
Tết với chả xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ, nuốt vội để mà no;
Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng, làm nhanh không mất việc.
Và đây là tâm sự của một chị buôn ve chai, đồng nát khi Tết đến:
Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong Tết;
Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc xuân.
Đất ít người đông, ở quê chẳng biết làm gì cho đủ sống, biết bao người phải tha phương cầu thực, Tết đến nào mua được vé tàu về bắc, dẫu có bánh chưng có cành đào nhưng nào thấy xuân đâu:
Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét, sao không thấy Tết?
Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai, mà chẳng gặp xuân!
Mong rằng “Tân niên hạnh phúc bình an đáo / Xuân nhật vinh hoa phú quý lai” (Năm mới hạnh phúc bình an đến / Ngày xuân vinh hoa phú quý về) với tất cả mọi người.
Tân niên sắp đến, xin hiến tặng độc giả một số câu đối năm Quý Tị để cùng vui Tết mừng xuân:
龍騰豐稔歲 / 蛇舞吉祥年 
Long đằng,  phong nẫm tuế / Xà vũ, cát tường niên.
Rồng bay, năm sung túc / Rắn múa, buổi may lành.
龍去神威在 / 蛇來靈氣生
Long khứ, thần uy tại / Xà lai, linh khí sinh.
Rồng đi, oai thần vẫn còn đó / Rắn đến, khí thiêng đã nảy sinh.
龍留瑞氣常縈戶 / 蛇報福音久駐門
Long lưu thụy khí thường oanh hộ / Xà báo phúc âm cửu trú môn.
Rồng lưu khí tốt luôn quanh cửa / Rắn báo tin lành mãi tại nhà.
歲辭龍尾春光好 / 山舞蛇姿景色嬌
Tuế từ long vĩ, xuân quang hảo / Sơn vũ xà tư, cảnh sắc kiều.
Năm giã đuôi rồng, nắng xuân đẹp / Núi lượn dáng rắn, sắc cảnh tươi.
去年龍蟄千重景 / 今日蛇迎四海春
 Khứ niên long trập thiên trùng cảnh / Kim nhật xà nghinh tứ hải xuân.
Năm trước rồng phục muôn ngàn cảnh / Ngày nay rắn đón bốn biển xuân.


Tài liệu tham khảo
1. Bùi Hạnh Cẩn-Bích Hằng-Nguyễn Văn-Việt Anh (2000), Giai thoại Hán Nôm, NXB Văn hóa Thông tin.
2. Phong Châu (2006), Câu đối Việt Nam, NXB Văn Học.
3. Dương Quảng Hàm (2002), Việt Nam văn học sử yếu, NXB Hội nhà văn.
4. Nguyễn Hoàng Huy (2004), Câu đối trong văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
5. Bùi Văn Nguyên-Hà Minh Đức (1999), Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, NXB TP. Hồ Chí Minh.
6. Trần Lê Sáng (chủ biên) (2006), 5000 hoành phi câu đối Hán Nôm, NXB Văn hóa Thông tin.
7. 柳景瑞/廖福招 (2001), 中国古今名联鉴赏,中州古籍出版社.
8. 王 (2007), 中国对联精粹,中国华侨出版社. 

Nguồn: Tạp chí Văn hoá - Du lịch số 8 tháng 1.2013 

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

NHỮNG TÁC PHẨM CẦN ĐỌC

Sách vẫn là một kho tàng tri thức không thể thiếu được trong cuộc sống, mặc dù thời đại bùng nổ thông tin hiện đại, các phương tiện nghe - nhìn và mạng internet. Một trong những xu hướng chung của văn hóa đọc trên thế giới hiện này là sự tinh gọn các tác phẩm kinh điển và nổi tiếng. Xin giới thiệu tới các bạn 50 tác phẩm văn học nên đọc ở mọi thời đại:

1.Kinh Thánh (Phần đầu của Cựu ước - để hiểu về sự hình thành thế giới, và một trong bốn kinh Phúc Âm, the gospel, của Tân ước - về cuộc đời chúa Jesus). Có thể tìm mua bản tiếng Việt ở các nhà thờ. 

2. Một cuốn Lịch sử thế giới, đủ cả cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại, đặc biệt phần cổ đại để hiểu các nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc và Hy Lạp. Một cuốn sử Việt Nam. Có thể đọc Viêt Nam Lược Sử của Trần Trong Kim, hiện có bán ngoài hiệu sách.. 

3. Những nền văn minh thế giới, NXB Văn Hóa, 1999. 

4. Tân Bách khoa Toàn thư dành cho tuổi trẻ, NXB Lao Động, cuốn sách giải đáp ngắn gọn hầu như tất cả các câu hỏi về thiên nhiên, xã hội, văn hóa... 

5. Thần thoại Hy Lạp (nếu có thời gian đọc thêm Iliat va Ôđixê của Homer). Không đọc cuốn này và Kinh Thánh, không thể hiểu đầy đủ nghệ thuật phương Tây. 

6. Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ tích Arập. 

7. Truyện cổ tích Anderson, Đan Mạch. (Hai cuốn này rất cần để phát triển tí tưởng tượng). 

8. Đôn Kihôtê của Cervantes, Tây Ban Nha, tác phẩm được xem là hay nhất xưa nay của nhân loại. 

9. Kịch Sêcxpia, những vở bi kịch vĩ đại như Hamlet, Otello, Romeo and Juliet, King Lear, Marbet ... 

10. Kinh Thư, của Khổng Tử. Cuốn này đọc từ từ, nghiền ngẫm và chiêm nghiệm, đặc biệt phần Trung Dung. 

11. Chiến tranh và Hòa Bình, Tônxtôi, Nga. 

12. Những người khốn khổ, Victo Huygô, Pháp. 

13. Thằng ngốc (Gã khờ), của Đôxtôiepxki, Nga. Nên đọc thêm Tội ác và Trừng phạt. 

14. Truyện ngắn Sêkhốp, Nga. 

15. Truyện ngắn Môpaxăng, Pháp. 

16. Truyện vừa Stefan Zweig, Áo. 

17. Ơgêni Grăngđê, Banzăc, Pháp. 

18. Cuốn theo chiều gió, Margaret Michel, Mỹ. 

19. David Coperfield, hoặc Oliver Twist, Đickenx, Anh. 

20. Hội chợ phù hoa, Thackeray, Anh. 

21. Jên Erơ, Charlotte Bronte, Anh. 

22. Đồi gió hú, Emily Bronte, Anh. 

23. Thơ tình thế giới chọn lọc, ((Triệu bông hồng) bản dịch Thái Bá Tân). 

24. Evghêni Onêgin, tiểu thuyết thơ và truyện vừa của Puskin, Nga, 

25. Liêu trai chí dị, truyện ma Bồ Tùng Linh, Trung Quốc. 

26. Sử ký Tư Mã Thiên, Trung Quốc. 

27. Tiềng rền của núi, hoặc Xứ tuyết, Kawabata, Nhật Bản. 

28. Bố già, Mario Puzzô, Mỹ. 

29. Truyện ngắn Pirandelo, Italia. 

30. Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Tiếng Anh: The thorn bird, phim Trở về Eden), Australia. 

31. Ba chàng ngự lâm pháo thủ, A. Dumas, Pháp. (Có thể thay bằng Bá tước Mont Cristo của cùng tác giả). 

32. Madam Bovary, Flaubert, Pháp. 

33. Mối tình đầu, Turgenev, Nga. 

34. Bình minh mưa, truyện ngắn, và Bông hồng vàng của Pauxtôpxki, Nga. 

35. Truyện ngắn Ivan Bunin, Nga. 

36. Tiếng gọi nơi hoang dã, và các truyện ngắn của Jack London, Mỹ. 

37. Tom Soyer của M. Twain, Mỹ. 

38. Không gia đình, Hecto Malô, Pháp. 

39. Hoàng tử nhỏ, Saint Exuynbery, Pháp. 

40. Bác sĩ Jivagô, (Vĩnh biệt tình em) B. Pasternac, Nga. 

41. Nghệ nhân và Margareta, của Bungacôp, Nga. 

42. Ngươi anh hùng thời đại, Lecmôntôp, Nga. 

43. Harry Potter. Có thể thay cuốn này bằng cuốn Truyện trinh thám Sherlock Holmes. 

44. Truyện ngắn Andre Mauroir, Pháp. 

45. Truyện ngắn O. Henry, Mỹ. 

46. Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần, Trung Quốc. 

47. Một cuốn thể loại tiểu sử, như Tiểu sử Napôlêông (thầy quên mất tên tác giả). 

48. Phục sinh, tiểu thuyết của Tônxtôi. 

49. Truyện ngắn Somerset Maugham, Anh. 

50. Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo

NHỮNG TÁC PHẨM NỔI TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI

Cuốn Theo Chiều Gió


Trích:

Tác giả: Margaret Mitchell
Số tập: 69

Cuốn theo chiều gió (Nguyên văn: Gone with the wind), xuất bản lần đầu năm 1936, là một cuốn tiểu thuyết tình cảm của Margaret Mitchell, người đã dành giải Pulitzer với tác phẩm này năm 1937. Câu chuyện được đặt bối cảnh tại Georgia và Atlanta, miền Nam Hoa Kì trong suốt thời kì nội chiến và thời tái thiết. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O'Hara, một cô gái miền Nam đầy sức mạnh, phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim năm 1937





Đồi Gió Hú


Trích:

Tác giả: Emily Bronti - Người dịch: Dương Tường
Số tập: 15


Đồi gió hú (tiếng Anh:Wuthering Heights, đôi khi được dịch là Đỉnh gió hú) là tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn Emily Brontë. Nó được nhà văn xuất bản lần đầu năm 1847 dưới bút danh Ellis Bell, lần xuất bản thứ hai của tác phẩm là sau khi Emily đã qua đời và lần xuất bản này được biên tập bởi chính chị gái của nhà văn là Charlotte Brontë. Tên của tiểu thuyết bắt nguồn từ một trang viên nằm trên vùng đồng cỏ hoang dã ở Yorkshire nơi những sự kiện có trong tiểu thuyết diễn ra, wuthering là một từ Yorkshire được dùng để chỉ thời tiết thất thường (turbulent weather). Tiểu thuyết kể về câu chuyện tình yêu không thành giữa Heathcliff và Catherine Earnshaw, cũng như làm thế nào mà sự đam mê không thể hóa giải đó đã tiêu diệt chính họ và cả những người thân khác xung quanh.





Những Người Khốn Khổ


Trích:

Tác giả: Victor Hugo - Huỳnh Phan Anh (dịch)
Số tập: 12


Những người khốn khổ là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: "Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình"







Không Gia Đình


Trích:

Tác giả: Hector Malot
Số tập: 12


Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi dẫn đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, "Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương". Em đã lao động lấy mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan, bị giải ra trước toà án và bị ở tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẩn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích.







Hành Trình Vào Tâm Trái Đất


Trích:

Tác giả: Jules Verne
Số tập: 11


Hành trình vào tâm Trái đất (tiếng Pháp: Voyage au centre de la Terre) là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Jules Verne xuất bản vào năm 1864. Câu chuyện kể về một giáo sư người Đức tin rằng có những miệng núi lửa có con đường đi thẳng xuống trung tâm Trái đất. Ông, đứa cháu trai Axel, và người dẫn đường Hans của họ đã trải qua những chuyến phiêu lưu thú vị, gặp gỡ những con vật thời tiền sử cùng các thảm họa tự nhiên, cuối cùng đã quay lại được mặt đất ở miền nam nước Ý. Các sinh vật sống mà họ gặp phải phù hợp với từng thời kỳ địa chất, cũng như các lớp đá dần càng cổ hơn khi họ đi xuống càng sâu, những loài vật cũng xưa hơn khi các nhân vật tiến gần đến tâm trái đất.





Papillon Người Tù Khổ Sai


Trích:

Tác giả: Henri Charrière
Số tập: 51


Cuốn sách bán chạy nhất năm 1970 của ông, Papillon, đã ghi lại chi tiết các vụ vượt ngục, những âm mưu vượt ngục, những chuyến đi và những lần bị bắt lại từ khi ông bị tù năm 1932 tới lần đào thoát cuối cùng sang Venezuela. Tên sách lấy theo tên hiệu của Charrière, xuất xứ từ hình xăm một con bướm trên ngực ông (papillon là từ tiếng Pháp có nghĩa con bướm). Tính chính xác của câu chuyện đã bị nghi ngờ, nhưng ông luôn cho rằng, chỉ trừ vài sai sót nhỏ do trí nhớ, tất cả đều là sự thực.





Ngựa Ô Yêu Dấu


Trích:

Tác giả: Anna Sewell - Thanh Vân dịch


Ngựa Ô Yêu Dấu kể về những cuộc phiêu lưu, những nỗi thất vọng và những niềm vui của một con ngựa, có lẽ là một câu chuyện nổi tiếng nhất mọi thời đại về loài vật. Black Beauty là một chú ngựa ô đẹp mã, thuần tính, dũng cảm và trung thành. Chú có bộ lông đen tuyền, mịn mượt, có một chân trắng và ngôi sao màu trắng bạc đẹp đẽ trên trán. Khi ông chủ buộc phải bán chú đi, Black Beauty đã từ cuộc sống êm ấm, dễ chịu rơi vào những đoạn đời làm việc cực nhọc, bị đối xử tàn nhẫn và tiếp xúc với nhiều loài người trong xã hội. Black Beauty đã sớm hiểu rằng cuộc đời thật khó mà lường trước với từng ông chủ khác nhau.
Nữ tác giả Anna Sewell đã thật sự nói thay cho những con vật không biết nói nhiều tâm tư, nguyện vọng của chúng. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên cách đây hơn một thế kỷ, Ngựa Ô Yêu Dấu đã nổi tiếng và có ảnh hưởng rộng rãi, tích cực đến thái độ của con người với loài ngựa, một giống vật cao quý và gắn bó, trung thàng với con người. Tính đến nay, tác phẩm này đã được dịch ra 35 thứ tiếng và bán được hàng chục triệu bản.






Hoàng Đế Caesar


Trích:

Dịch giả: Duy Nguyên

Tác phẩm này viết về một vĩ nhân của La Mã. Người đạp đổ chế độ cộng hoà nô lệ La Mã mở ra một giai đoạn mới đế chế La Mã. Vĩ nhân, thiên tài khác với người bình thường ở chỗ họ có tâm linh mạnh mẽ, một khát vọng vươn lên, một lòng tin vững chắc, một ý chí phi thường.
- Năm 100 TCN: Caesar ra đời
- 12 tuổi năm 88 TCN: Thống soái, nhà độc tài La Mã cổ đại Sulla đánh chiếm thành Rome trong một đêm đông. Sau này, ông ta đã bị đuổi khỏi Roma.
- 16 tuổi năm 84 TCN: Caesar đảm nhận chức tư tế đền thờ thần Jupiter
- 16 tuổi năm 84 TCN: Caesar tổ chức lễ cưới với nàng Cornylia.
-Năm 84 TCN: Vajia bạo loạn, ám sát Cinna ở Blundisium.
-18 tuổi năm 82 TCN: Sulla bắt giam Caesar, Caesar được các trinh nữ Vesta xin tha tội chết.
.....






Thép Đã Tôi Thế Đấy


Trích:

Tác giả: Nikolai A.Ostrovsky
Số tập: 31


Pavel Corsaghin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho nhiều độc giả yêu quí nhân vật Pavel và phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.... Ngày nay, khi đọc tác phẩm theo quan điểm mới, rộng rãi hơn, nhiều người cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại chính là cuộc đấu tranh với bóc lột , đói nghèo và bệnh tật, với dốt nát và vô chính phủ, với chuyên quyền và độc tài... Cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam.





Túp Lều Bác Tôm


Trích:

Tác giả: Harriet Beecher Stowe
Số tập: 44


Túp lều bác Tôm là một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19, trong tuần đầu tiên 5.000 bản đã được bán sạch (và cũng là quyển sách bán chạy thứ hai trong thế kỷ đó, sau Kinh thánh) và được tin là động lực cho cuộc đấu tranh bãi nô. Trong năm đầu tiên sau khi xuất bản, 300.000 bản được bán hết chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang miền nam nước này. Cuốn sách quan trọng đến mức, khi Tổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1862 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.





Tây Du Ký


Trích:

Nguyên tác Ngô Thừa Ân
Số tập: 100

Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa, và được xem là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất cho thế hệ trẻ. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) để lấy kinh.





Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa


Trích:

Tác giả: La Quán Trung
Số tập: 120



Tam quốc diễn nghĩa, nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220-280), theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.