Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

PHONG CÁCH CỦA NHÀ THƠ PHẠM THU YẾN QUA TẬP THƠ ''BIẾT MÌNH TRONG MẮT AI''



BIẾT MÌNH TRONG MẮT AI
Phạm thu Yến

          Đọc  tập thơ “ Biết mình trong mắt ai” của nhà thơ Phạm Thu Yến thì mỗi chúng ta không thể quên được giọng thơ ngọt ngào mà đằm thắm như chính tâm hồn chị. Như nhà lí luận phê bình văn học Nga Biêlinxki từng khẳng định: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Thật vậy thơ là tiếng lòng của thi sĩ được cất lên từ tiếng nói của con tim, nhưng nó chỉ có giá trị nghệ thuật khi nó bắt nguồn từ chính cuộc sống, đi ra từ cuộc sống. Nhận định đó rất đúng với nhà thơ Thu Yến. Tiếng thơ của chị là tiếng thơ của một trái tim phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, giàu xúc cảm, tinh tế nhạy cảm, khao khát  được đến bến bờ hạnh phúc…trái tim đó luôn mong ước được sẻ chia, đồng cảm với những xúc cảm đời thường mà vô cùng cao quý. 
Từ những dòng thơ đầu tiên trong tập thơ “Biết mình trong mắt ai” xuất bản năm 1990 ( gồm có 49 tác phẩm) là những vần thơ đằm thắm, nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng lại sâu sắc bởi những vần thơ đã qua bao trải nghiệm, buồn vui của cuộc đời. Nó như bản nhạc hòa trộn những tiết tấu vui nhộn với tiết tấu trầm buồn, lắng đọng. Đọc tập thơ ta sẽ thấy được một cái tôi trữ tình với bao cung bậc tình cảm được ngân lên từ những nốt nhạc lòng của tâm hồn người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn. Những câu thơ của chị rất giản dị tự nhiên không trau chuốt mượt mà nhưng lại có sức cuốn mạnh mẽ. Nó hiện hữu như nó vốn có, nó khó có thể đổi thay vì hầu hết những vần thơ ấy chị viết về chồng và những đứa con yêu quí của mình:
Con mơ gì trong tiếng nhạc
Tuổi mười tám mộng mơ ơi
Chàng hoàng tử nào đón đợi
……Cứ mộng mơ con gái ạ
Lời yêu thầm hát quanh ta
(Viết cho con gái tuổi mười tám)
Không phải chỉ có những vần thơ dành cho con gái yêu khi bước vào tuổi 18, mà cả những vần thơ thể hiện tình yêu thủy chung mãnh liệt với người bạn đời đã đi cùng chị trong những ngày tháng nhọc nhằn :
Đã hai mươi mùa thu ta ở trong nhau
Anh thân thuộc như khí trời em thở
Mỗi ban mai chim gù bên cửa sổ
Vẫn rưng rưng huyền diệu cuộc đời
…Ta nắm tay nhau qua thác ghềnh
Những vất vả nhọc nhằn không kể hết
Một thoáng xao lòng, đôi khi hờn giận
Nhưng có hề chi,
          Khi thu mãi vẫn thu đầu
(Người đàn ông của em)
Điều thật kì diệu, vần thơ riêng của chị lại là tiếng lòng của bao thế hệ, bao độc giả. chạm khắc vào trái tim và nỗi nhớ của mỗi người :  Cái tôi trữ tình ấy đâu phải của riêng chị, khi ra đời nó đã dâng ngập trong lòng độc giả và ngự trị như sự thật hiển nhiên
Tuyết đã rơi trắng xóa các ngả đường
Em đợi anh sang, anh ơi em đợi
Em khao khát bao lâu rồi
          Chiều Mát-xcơ-va êm ái
Dạo cùng anh trên tuyết trắng quê người
Chỉ một anh thôi là của em tất cả
Hạnh phúc, tình yêu, quá  khứ, mai ngày…
Sang với em đi tuyết lạnh thấm bờ vai.
ợi)
Đọc những câu thơ này làm ta nhớ tới “ Đợi anh về ”của Xi-Mô-Nốp
Em ơi em cứ đợi
Dù ai thương nhớ ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại
Dù bạn viếng hồn anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!
Hai con người, hai trạng thái tình cảm nhưng lại chung một nỗi niềm lo âu, chờ đợi. Có khác là thi sĩ Xi-Mô-Nốp viết những câu thơ khi người đàn ông phải ra chiến trận, còn những câu thơ trong bài “Đợi” mang tâm trạng của người vợ khi xa quê hương, xa gia đình đang khao khát chờ mong  người chồng đến bên để xua tan đi nỗi nhớ nỗi cô đơn trong lòng . Nhưng ẩn sâu bên trong câu thơ như một lời nhắn nhủ, một lời khẳng định về tình yêu chung thủy của mình: “Em đợi anh sang, anh ơi em đợi /  Chỉ một anh thôi là của em tất cả”. Như thế, chúng ta đã phần nào thấy cái tôi tha thiết, chân thành, giàu vẻ đẹp nữ tính.
Đọc những trang thơ của chị ta nhận thấy thơ chị chinh phục người đọc bằng sức mạnh nội tâm và bản năng nữ tính. Thiên chức làm mẹ, làm vợ đã làm cho hồn thơ chị thêm sức sống và cuốn hút. Niềm yêu thủy chung của người phụ nữ không thể thiếu được trong thơ chị:
Anh có thấy em
Hồn thơ như trẻ lại
Hết mình khi nhẩy
Với bao ưu phiền
Để sau vũ khúc
Dụi dàng bên anh
(Vũ khúc chiều thu)
Câu thơ mang trái tim khao khát yêu đời, yêu cuộc sống của người phụ nữ đa cảm. Mỗi lúc cuộc sống căng thẳng thì chị đã tìm đến những điệu nhảy để tâm hồn nhẹ nhàng hơn, để chị được sống với chính mình và quan trọng hơn lại được “dịu dàng bên anh”
Nếu  cho em làm lại từ đầu
Người em chọn vẫn chỉ là anh đấy
Anh là cuộc đời em, giản đơn và sắc vậy
Đừng ghen hờn với trái tim em.
Nhưng đôi khi tiếng thơ ấy vẫn nhói lên với  khắc khoải, lo âu về hạnh phúc:
Một đêm anh tỉnh giấc
Choàng tay ôm vai em
Tiếng thở dài sâu lắm
“Anh mơ giấc mơ buồn
Trong mơ anh đau khổ
Hình như em bạc tình
Thế mới hay hạnh phúc
Khổ đau gần tấc gang
…..Hạnh phúc và tình yêu
Niềm tin không dễ có
Gửi nơi em rất nhiều..”
Chị cũng như biết bao người phụ nữ đều khát vọng hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy không phải dễ có,  mà phải có sự vun đắp từ hai phía. Có ai dám chắc rằng mỗi người khi đã xây đựng gia đình rồi lại “ không có phút giây ngoài chồng, ngoài vợ”,  nhưng  để giữ chặt tổ ấm lại chính là nhờ vào bàn tay xây đắp của người phụ nữ. Những câu thơ như lời gửi gắm tâm sự của chị mong phái đẹp chúng ta một hãy biết trân  trọng những gì mình đang có.
Anh khuấy động trái tim em bình yên
Rung lên tiếng chuông hối thúc
Đưa em vào giấc mơ tâm thức
Một giọng trầm buồn xa xăm
Em chạy theo tiếng gọi của anh
Như một kẻ lạc hồn
Nước mắt con trai bé bỏng
Chạy qua dòng sông, phố phường, đồng ruộng
Hoa cúc ngơ ngác buồn..
Đã đôi lúc con tim “ em” theo tiếng gọi khác em mơ hồ chạy theo nó,  rồi nghĩ nếu “em” chạy theo nó thì sẽ không xứng đáng được quay trở về gia đình, tổ ấm hạnh phúc cũng sẽ mất. Và như thế để đổi sự ích kỉ lấy cả “một công trình kiến trúc” mà em đã kì công xây dựng bấy lâu nay thì em sẽ không bao giờ “Xin đừng gọi em ra khỏi mái nhà yên”  .
Câu thơ của chị còn là những trải nghiệm trong cuộc đời  đôi lúc sống lãng mạn nhưng cũng cần sống thực tế có như vậy sẽ nắm được chiếc khóa kì diệu của tình yêu
Bao buồn lo thường nhật
Dường như tan giữa biển trời
Em bỗng thấy mình trẻ lại
Rưng rưng thuần khiết bờ vai
Thơ ai vọng cùng tiếng sóng
Dẫu người thiên cổ lâu rồi
“Một mình anh ngồi trước biển
Yêu vô bờ bến, em ơi
Giã biệt bình minh Trà Cổ
Chút niềm phiêu lãng mây trời
Về thôi,  đất liền đang vẫy gọi
Dẫu lòng khao khát, biển ơi
( Bình minh trên biển Trà Cổ)
Tâm hồn ấy đâu chỉ mềm yếu giàu vẻ đẹp nữ tính trong tình yêu. Ngay cả những gì bình dị nhất tâm hồn ấy cũng rung động, gửi vào đó một niềm yêu:
Bất ngờ tôi có được
Một hoàng hôn Đồng Mô
Nước trong thời tiền sử
Núi xứ Đoài xa mơ
Tôi thầm hát bên người
Đam mê lời dĩ vãng
Nước lóc bóc mạn thuyền
Mưa giăng lời hò hẹn
Mai ngày người có hát cùng với ai bên hồ
(Đồng Mô)
Những câu thơ là sự ngạc nhiên của “Tôi” khi có được một buổi chiều thu đẹp ở Xứ Đoài, làm tâm hồn nhạy cảm ấy thấy nao nao khi gió heo may về,  bạch đàn dầm chân nước và tiếng nhạc ngựa đánh thức sự bình yên.
          Một điều mới mẻ không thể thiếu trong thơ chị là cảm quan về thời gian. Thời gian xuất hiện khá nhiều trong thơ chị. Nếu với Xuân Diệu thời gian gắn với nhu cầu hưởng thụ hạnh phúc của cái tôi vồ vập thì với Thu Yến thời gian là tín hiệu, là nơi bộc lộ sự nhạy cảm nữ tính về cái phôi pha, biến suy của nhan sắc, của lòng người. Ta có thể tìm thấy rất nhiều vần thơ viết về thời gian: Đó là thời gian trong kí ức gọi về khi nghe lại tiếng nhạc:
Nhưng cha ạ bỗng trưa nay bản nhạc
Gọi về quá khứ xa xăm
Thưở ấy nghỉ hè được về phố nhỏ
Dáng gầy cao bóng mẹ ngóng chờ
Chân mừng ríu, cầu thang leo ba bậc
Con nhào vào cánh tay cha
Cửa sổ tầng hai, gió sông thổi lại
Con gái yêu nghe, cha lựa bản nhạc nào.
( Bản nhạc trong phố nhỏ)
Thời gian như gắn liền với nỗi nhớ khi bắt gặp ánh mắt thơ ngây tuổi học trò :
Tuổi trẻ không lặp lại
Dẫu là em và tôi
Tôi hai mươi năm trước
Em bây giờ xinh tươi
Bài giảng không lặp lại
Dẫu đều đặn trống trường
Hồn tôi tươi trẻ mãi
Khi soi vào mắt em
( Không gặp lại)
Thời gian trong thơ chị như giúp người đọc hiểu được quy luật khắc nghiệt của cuộc sống :
Người cha đã từng đi lính
Chiến chinh quá nửa cuộc đời
Trở về tự tay cuốc đất
Để lại cho con cơ ngơi
Chị hưởng những gì thuần khiết
Thiên nhiên, đất nước, gia đình
Với nỗi đam mê công việc
Trái tim chan chứa ân tình
Cuộc chiến tranh phi nghĩa nổ ra đã có biết bao người lính phải ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc đem lại cuộc sống hạnh phúc cho thế hệ sau, người cha trong bài thơ cũng đã từng phải đi chinh chiến nửa cuộc đời nhưng may mắn ông được trở về gia đình và lại hết mình thầm lặng hi sinh cho những đứa con .
Chính vì nắm được quy luật của thời gian nên chị đã muốn cống hiến hết mình cho cuộc đời và điều quan trọng hơn nữa là chị luôn khao khát được sống với đam mê của mình:
Lúc gánh nặng gia đình vơi bớt
Tuổi bốn mươi ham làm việc hết mình
Để khỏa lấp quãng vòng quá khứ
Phía trước là nghiệt ngã thời gian
Vẫn chưa hết đam mê, nông nổi
(Tuổi bốn mươi)
Đôi lúc thời gian lại kéo chị về với nỗi nhớ, để rồi chợt nhận ra: “Em hạnh phúc trong tình yêu có thật”
Có lẽ một thời em đã yêu anh
Tuổi thiếu nữ tình yêu vô hình lắm
Anh thân thiết, dịu dàng xa thẳm
…Năm tháng khác và cuộc đời cũng khác
Lần gặp lại vì sao em muốn khóc
Quá khứ dịu dàng như chiều hạ sau mưa.
Em đã yêu, đã lấy chồng, như ước mơ xưa
Em hạnh phúc trong tình yêu có thật
(Vô hình)
Chẳng hiểu tại sao khi đọc những câu thơ trên tôi lại thấy một phần tâm hồn mình trong đó. Ai đã yêu thì không thể dửng dưng trước những câu thơ như vậy. Câu thơ đưa ta về với những kí ức đẹp đẽ của tuổi đang yêu. Thời gian trôi qua cánh cửa nhìn vào quá khứ để  rồi chợt nhận ra mình đang nắm giữ hạnh phúc có thật và được ở bên người đàn ông đích thực của cuộc đời mình. Nhưng có điều chỉ có thơ mới nói hết mà lời nói thường không diễn tả hết được, khổ thơ trên đã làm được điều đó.
Thời gian còn làm chị hiểu về  ý nghĩa của cuộc sống , tình yêu và hạnh phúc có được là do chính bàn tay của mình vun đắp nên, mình phải là mình không thể sống như một cái “bóng” :
Dẫu biết rằng anh rất yêu em
Vẫn có lúc lòng em trống trải
Yêu em đấy nhưng lòng anh e ngại
Trái tim đa cảm nơi em
Ngay từ câu thơ mở đầu thì nhà thơ đã đưa ra vấn đề “biết rằng anh vẫn rất yêu em” những vẫn có lúc anh để “lòng em phải trống trải ” cô đơn phải chăng vì quá yêu em, mong muốn được giữ em chặt ở mãi bên mình mà anh  không để cho em quay trở về những ước mơ quá khứ của thời con gái. Anh sợ mất em, nên nhiều lúc anh đã vô tình làm em tổn thương. Mà em vốn là cô gái giàu ước mơ và khát vọng em không thể đánh mất mình, không thể không còn cá tính riêng nữa, lại càng không thể là một người vợ  chỉ biết “làm ăn, nuôi con, giặt giũ” với những thói quen nhàm chán lặp đi lặp lại sống như vậy sẽ “chẳng còn đáng được anh yêu” .
Em sẽ ra sao nếu chẳng là mình
Quên lãng hết ước mơ thời thiếu nữ
Nếu chỉ làm ăn, nuôi con, giặt giũ
Chắc chẳng còn đáng được anh yêu
(Với anh)
Những câu thơ này còn giống như một thông điệp nhắc ta phải biết giữ lấy những nét riêng và bản sắc ấy cho mình trong suốt  thời  gian sống bên anh, vì  bản chất làm nên hạnh phúc gia đình là vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
Có thể khẳng định thời gian hiện hữu trong thơ chị như một cây thước đo, đếm buồn vui của chị.. Nhưng quy luật của cuộc đời thật khắc nghiệt, càng thèm yêu, khát sống thì thời gian như càng chạy đua để tất cả đều bị khuất phục trước thời gian. Nhưng duy nhất có một điều không đổi, không bị thời gian làm lu mờ đó là tâm hồn tươi trẻ của nhà thơ, một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế , trẻ trung.
          Sẽ là thiếu sót khi người đọc không nhận ra một số những  hình ảnh về cảnh vật và con người đất nước Nga cứ trở lại trong thơ chị :
Hương Xiren dụi dàng trên tóc
Ta đã chờ anh nơi ghế đá sân trường
Hoa hoang dại nở vàng trên cỏ mướt
Ta khóc thầm trong day dứt cô đơn
(Gửi)
Ngôi trường  ĐH Lômônô xốp ngày xưa đã từng gắn bó với nhà thơ biết bao kỉ niệm, khi xa xứ cô đơn mong chờ một bờ vai để tựa.  Nỗi mong chờ ấy lại là kỉ niệm đẹp để bây giờ bâng khuâng nhớ lại cảnh xưa: “Gửi trường cũ, gửi Nước Nga đôn hậu/ Nỗi nhớ những khoảnh khắc hoàng hôn”.
Hay trong bài Đợi
Mùa hè đến dịu dàng hoa táo nở
Hương xiren thầm kín đến nào lòng
Rồi “ Nhớ”
Tôi thầm mong như thế
Tôi tin đất nước tuyệt vờ
Với trái tim Nga đôn hậu
Hận thù, bạo lực sẽ lui
Giá như Tôi
Những ước vọng đã thành hiện thực
Chỉ bài hát bạch dương đôi khi thầm khóc
Khi tôi ngồi nhớ tuyết…
          Giá như tôi
Rồi “Với A.X.Puskin”
Cô gái tóc màu hạt dẻ
Cánh đồng đại mạch rực vàng
Nước Nga bỗng gần gũi thế
Thơ người thắp những say mê.
Bố mẹ chị là giáo viên nên ngay từ nhỏ chị đã được đọc rất nhiều câu chuyện cổ tích thế giới và cả những vần thơ ngọt ngào từ nước Nga. Những vần thơ, đất nước con người Nga đã phần nào tạo nên phong cách thơ chị nhẹ nhàng, đằm thắm tha thiết chân thành, giàu nữ tính.
Là người phụ nữ hiện đại xong cái bản tính yếu mềm, đa cảm của người phụ nữ truyền thống không mất đi trong chị: 
Thôi đừng vương vấn mãi đa đoan
Gánh này đặt xuống lại gánh kia
Bao nhiêu nông nổi đam mê
Trái tim bỏng rát ước thề mỏng manh
Đôi bờ cùng gió, cùng giông
Hai lần dệt mộng, sợi lòng đứt tơ
Thôi về chăm lại mảnh vườn xưa
Mái nhà ấm lửa, mộng mơ gửi trời.
( Nói với bạn gái)
Những lời tâm sự dành cho những người bạn gái đang ở tuổi mười bảy cái tuổi mộng mơ lãng mạn, vui buồn bất chợt :
Thế nghĩa là mười bảy
Cứ buồn vui thất thường
Con gái hay hờn giận
Ô mai buồn trong ngăn….
( Tuổi mười bảy)
Như vậy phần nào ta đã hiểu được cái tôi trữ tình của nhà thơ lãng mạn, khao khát hạnh phúc, say dắm với tình yêu nhưng cũng giàu lòng trắc ẩn. Khi tiếp xúc với nhà thơ Thu Yến thì thấy bên ngoài chị là người dễ gần, nhẹ nhàng và đằm thắm xong ẩn sâu bên trong là một trái tim giàu lòng yêu thương . Vì lẽ đó mà chị cứ phơi trải lên trang thơ của mình tất cả những đam mê, những lo âu, những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật của mình một cách thành thật không hề giấu giếm. Tôi nhớ có lần chị đã từng phát  biểu trên câu lạc bộ bạn yêu thơ rằng: “Nếu ai hỏi tôi là tôi sợ nhất điều gì chị đã nói rằng chị sợ nhất là con người sống vô cảm”. Chị đã cảm nhận được trong cuộc sống hiện đại con người như thờ ơ nỗi đau người khác,  chị viết bài “ lời của cậu bé con”  giống như một hồi chuông cảnh tỉnh :
Mẹ ơi!
Khi con bị lũ hung đò trấn lột
Con kêu lên tròng hoảng hốt bất ngờ
Nhưng chính lúc mọi người quay đi im lặng
Một nỗi sợ ghê người bóp nghẹt trái tim con
Hay “Người ăn mày” chính là tấm lòng nhân hậu của chị,  nỗi niềm cảm thương tới số phận bất hạnh trong xã hội:
Người ăn mày chân tay cụt hết
Kéo lên con trên xác tải nát nhàu
Những ánh mắt qua đường ái ngại
Nhưng túi tôi còn đồng lẻ nào đâu
…Hỡi lòng tốt – ngôn từ phù phiếm
Khi người khốn cùng, ta ngoảnh mặt làm thinh
Lần sau dễ gì gặp lại
Tôi quay lại đặt đồng tiền chẵn
Hình như chim mai hót bên đường.
Thơ của chị còn là tiếng nói thương cảm với những người lao động, đồng thời là sự lên tiếng của một trái tim đau đáu vì số phận của cái Đẹp trước cuộc đời sóng gió:
Ngày nào tôi cũng đi chợ
Mặc cả mớ rau, đồng quà
Thiên chức của người nội trợ
Khôn ngoan cũng thể đàn bà.

Chưa kịp vui vì mua rẻ
Lại thấy lòng vương nỗi buồn
Người bán hàng rong gầy yếu
Một ngày kiếm được bao lăm

Áo chị vá vài mảnh nhỏ
Tinh mơ dạo khắp phố phường
Chép miệng: Thôi đành hòa vốn
Tối về kẻo trẻ nó mong

Hạnh phúc có khi khó kéo
Người này được, người khác không
Tôi trả tiền thêm cho chị
Ngẩn ngơ, chị tưởng tôi nhầm

Cứ thế, ngày nào cũng thế
Tôi mặc cả, tôi tần ngần
Trái tim đàn bà trĩu nặng
Những điều nhỏ nhặt quẩn quanh.
Và cả những giọt nước mắt dành cho những người đòng đội của mình:
Nằm lại nơi nào? Ơi đồng đội của tôi
Trảng cỏ, rừng già, đồi cao, núi thẳm
Chiến tranh đã đi qua, đất nước thì dài rộng
Những nỗi đau không nói hết bằng lời

Tôi đã thấy những người mẹ khóc  con
          nước mắt cạn vơi
Người đàn ông khóc ròng bên mộ bạn
Và đây nữa giữa cuộc đời náo động
Giọt lệ thời gian
          năm tháng
                   vẫn lăn dài….
Chị là người phụ nữ mang trái tim nhân hậu đa sầu, đa cảm dường như trái tim chị như run lên trước những nỗi đau của cuộc đời. Chị không thể ngồi yên sống ích kỉ, chị lo lắng lớp người hiện đại đang dần sống vô cảm vì vậy chị phải viết để sẻ chia, để lay dậy cảnh tỉnh xã hội. Có thể nói, cái tôi trữ tình trong thơ Thu Yến là một tiếng nói đầy xúc cảm, tinh tế và hồn hậu, nó chi phối mọi cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ về cuộc đời, về lối sống của mọi người.
           Qua việc tìm hiểu tập thơ “Biết mình trong mắt ai” ta thấy được những nét độc đáo trong phong cách của nữ thi sĩ. Tập thơ là minh chứng cho tài năng của chị. Chị đã viết bằng những lời văn nhẹ nhàng, sâu lắng với thể thơ khác nhau để ghi lại  cảm xúc chân thực nhất từ trái tim mình để sẻ chia và giãi bày như chính nhan đề của tập thơ “ Biết mình trong mắt ai” : có biết bao điều chị muốn gửi gắm là cái tôi trữ tình đang đối diện cuộc sống bề bộn thường ngày và hơn hết là ta đã nhìn nhận được chính mình, để hiểu thấu lòng mình với bao hoài niệm, suy tư, trăn trở mà nay tìm được sự đồng cảm.
                                                                                                                                                                                                                    Bắc Ninh ngày 10/ 12/ 2013

Học sinh của cô: Ng.Minh Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét