Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Các bài văn so sánh lớp 11 -12 So sánh đoạn kết hai tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao và Vợ nhặt - Kim Lân DÀN Ý THAM KHẢO I. MỞ BÀI Dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thường khai thác một khía cạnh phổ biến đó là tình cảnh bi thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Trong số những trang văn cảm động về người nông dân phải kể đến hai truyện ngắn nổi bật: Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và Vợ nhặt của Kim Lân. Mỗi truyện đều có một cách kết thúc riêng, song mỗi cách kết thúc đều mang những giá trị riêng. Truyện ngắn Chí Phèo kết thúc bằng hình ảnh: Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua...Truyện ngắn Vợ nhặt kết thúc bằng hình ảnh: Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới . II. THÂN BÀI: 1) Vài nét về tác giả, tác phẩm – Nam Cao là một nhà nhân đạo lớn, một ngòi bút hiện thực xuất sắc, một bậc thầy về nghệ thuật truyện ngắn; sáng tác mang triết lí nhân sinh sâu sắc. Chí Phèo là đỉnh cao trong sự nghiệp của Nam Cao; truyện có kết thúc độc đáo, tô đậm được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. – Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn; chuyên viết về nông thôn và đời sống của người dân nghèo với ngòi bút đôn hậu và hóm hỉnh. Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của Kim Lân; kết thúc truyện đặc sắc, khắc sâu được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. 2) Về ý nghĩa của kết thúc truyện ngắn Chí Phèo – Khái quát nội dung tác phẩm Chí Phèo (ngắn gọn) – Tóm tắt cuộc đời đầy bi kịch của người nông dân Chí Phèo (ngắn gọn) – Ý nghĩa đoạn kết với hình ảnh Cái lò gạch bỏ hoang: "Cái lò gạch cũ" vốn là nơi Chí Phèo bị bỏ rơi lúc lọt lòng, giờ đây khi Chí Phèo vừa chết lại xuất hiện trong ý nghĩ của thị Nở ở kết thúc truyện, đã gợi ra được sự quẩn quanh, bế tắc trong tấn bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền sống lương thiện của người nông dân. Kết thúc truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao: đồng cảm với nỗi thống khổ của người nông dân dưới ách thống trị tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến, trân trọng khát vọng được sống lương thiện của họ. Truyện kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh ở phần mở đầu tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng gợi ra vòng tròn luẩn quẩn của thân phận Chí Phèo, giúp tô đậm chủ đề tư tưởng: cuộc đời Chí Phèo tuy kết thúc nhưng tấn bi kịch Chí Phèo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Kết thúc truyện vừa khép vừa mở dành nhiều khoảng trống cho người đọc tưởng tượng và suy ngẫm, tạo ra được dư âm sâu bền đối với sự tiếp nhận. 3) Về ý nghĩa của kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt – Khái quát nội dung tác phẩm "Vợ nhặt" (ngắn gọn) – Tóm tắt về cuộc đời nhân vật Tràng. (ngắn gọn) – Ý nghĩa đoạn kết với hình ảnh lá cờ bay phấp phới: Hình ảnh "đám người đói và lá cờ đỏ" hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ. Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng. Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện. Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán. 4) So sánh sự tương đồng và khác biệt của hai kết thúc truyện – Tương đồng: Hai kết thúc truyện cùng phản ánh hiện thực tăm tối của con người trước Cách mạng tháng Tám; cùng góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn; cùng là những kết thúc có tính mở, giàu sức gợi. – Khác biệt: Kết thúc truyện Chí Phèo phản ánh hiện thực luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân lao động, được thể hiện qua kết cấu đầu cuối tương ứng hàm ý tương lai sẽ chỉ là sự lặp lại của hiện tại; kết thúc truyện Vợ nhặt phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, được thể hiện qua kết cấu đối lập hàm ý tương lai sẽ mở lối cho hiện tại. 5) Lí giải: – Có sự khác nhau như trên là vì: Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử xã hội. Nam Cao viết "Chí Phèo" năm 1942 trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Kim Lân viết "Vợ nhặt" sau hòa bình lặp lại 1954 khi dân tộc ta đã đi qua 2 mốc lớn của lịch sử là CM tháng 8 và cuộc kháng chiến chống Pháp. Ánh sáng CM giúp nhà văn thấy được hướng vận động và phát triển của lịch sử. – Do khuynh hướng văn học và phương pháp sáng tác. "Chí Phèo": khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Nam Cao phản ánh hiện thực đen tối nhằm phê phán xã hội. Nhà văn yêu thương con người nhưng vẫn chưa nhìn thấy được lối thoát của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ. "Vợ nhặt": khuynh hướng hiện thực cách mạng nên Kim Lân có thể nhìn thấy bóng tối và ánh sáng bao trùm hiện thực trước cách mạng – Do tài năng và tính cách sáng tạo của từng nhà văn. Cùng yêu thương tin tưởng con người nhưng Nam Cao có cái nhìn tỉnh táo sắc lạnh trước hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống. Kim Lân lạị cho rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người nông dân vẫn có thể vượt lên cái chết, cái thảm đạm để mà vui mà hi vọng. 2. So sánh cách kết thúc “Vợ nhặt” với cách kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” ( Nam Cao ) GỢI Ý THAM KHẢO 1.Giới thiệu tác giả, tác phẩm , nêu vấn đề nghi luận. 2. Phân tích giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của truyện a) Giái thích khái niệm: – Giá trị hiện thực chính là bức tranh hiện thực đời sống được miêu tả trong tác phẩm… – Giá trị nhân đạo là thái độ, tình cảm của nhà văn thể hiện trong tác phẩm. Giá trị nhân đạo được tạo nên bỡi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ của con người, sự nâng niu trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người, lòng tin vào khả năng vươn dậy của con người… b) Giá trị hiện thực trong tác phẩm “Vợ nhặt” : Phản ánh chân thực bối cảnh nông thôn Việt Nam trong nạn đói và thân phận người dân nghèo trong cảnh đói. (HS lựa chọn các chi tiết phân tích làm rõ : những xác người nằm còng queo bên đường, những khuôn mặt u ám, tiếng quạ thét, tiếng hờ khóc…..). c) Giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Vợ nhặt”: – Niềm xót xa thương cảm đối với tình cảnh sống của người dân nghèo trong nạn đói. Qua đó lên án tố cáo tội ác của bọn thưc dân phát xít ( Nội dung này HS có thể khái quát sau khi phân tích giá trị hiện thực ) – Phát hiện và khẳng định phẩm chất tốt đẹp của người dân nghèo trong nạn đói : Niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc; tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau ; niềm hi vọng vào tương lai ( HS phân tích vẻ đẹp tâm hồn các nhân vật : Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt). – Cách kết thúc tác phẩm : Kết thúc mở với hình ảnh “ đám người đói và lá cờ đỏ phấp phới trên đê Sộp”- gợi xu hướng phát triển theo chiều tích cực : những con người nghèo khổ bị dồn vào bước đường cùng sẽ vùng lên đi theo ngọn cờ ấy ( Cách mạng) và họ sẽ có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp…( Nhà văn đã chỉ ra được con đường để thay đổi cuộc đời những người dân nghèo) 1. So sánh với cách kết thúc tác phẩm “ Chí Phèo”. – Cùng viết về hiện thực đời sống của người dân lao động trước Cách mạng tháng Tám nhưng cách kết thúc ở 2 tác phẩm khác nhau. – Cách kết thúc truyện“Chí Phèo”: Chí Phèo chết. Nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và trong đầu thị hiện ra hình ảnh “ Cái lò gạch cũ bỏ không xa nhà cửa và vắng người qua lại”. + Cách kết thúc tạo nên một kết cấu vòng tròn cho tác phẩm gợi nhiều suy nghĩ : Lại sẽ có một Chí Phèo con ra đời – tình trạng lưu manh hóa, tha hóa vẫn còn tiếp diễn nếu không thay đổi thực tại. + Chí Phèo chết. Đó là kết cục tất yếu khi con người ( đã thức tỉnh ) bị dồn đẩy đến bước đường cùng buộc phải lựa chọn giữa cái chết và sống lưu manh, tha hóa. – Cách kết thúc thể hiện cái nhìn bi quan, bế tắc trước hiện thực. Nhà văn chưa tìm ra được lối thoát cho số phận những người dân nghèo. 4) Lí giải nguyên nhân tạo nên sự khác nhau trong cách kết thúc. Do yếu tố thời đại nên cách nhìn hiện thực và cách giải quyết hiện thực của 2 tác giả khác nhau ( 2 tác phẩm thuộc 2 thời kì văn học khác nhau : Trước và sau cách mạng tháng Tám...;được viết theo hai nguồn cảm hứng khác nhau : hiện thực và sử thi lãng mạng…) 5) Đánh giá chung : Tác phẩm “Vợ nhặt” mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc(….); giá trị nhân đạo có nét mới mẽ so với các tác phẩm văn học hiện thực trước Cách mạng. 3. So Sánh bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và hồn Trương Ba (Hồn Trương Ba,da hàng thịt – Lưu Quang Vũ). BÀI THAM KHẢO Nam Cao là nhà văn lớn, có những đóng góp quan trọng cho văn học dân tộc. Nếu chọn ra ba tác giả văn xuôi nổi tiếng nhất thế kỉ XX của người Việt thì chắc chắn không thể vắng ông- nhà văn của những trí thức, những nông dân nghèo khổ, khốn cùng. Và nếu phải chọn ra ba kiệt tác của Nam Cao thì không thể không có “Chí Phèo,,. Trong một số câu chữ không quá nhiều, nhà văn đã chuyển tải được những thông điệp có ý nghĩa rất lớn với con người. Còn Lưu Quang Vũ lại được xem như một nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của gần 50 vở kịch trong đó có những vở gây chấn động dư luận như “ Lời thề thứ 9, “Tôi và chúng ta,, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,,.. Kịch của Lưu Quang Vũ đã phản ánh được những vấn đề bức thiết của thời đại, đồng thời mang tính triết lí sâu sắc. Truyện ngắn “Chí Phèo,, của Nam Cao và vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt,, của Lưu Quang Vũ tuy ra đời trong những hoàn cảnh xã hội - lịch sử khác nhau nhưng tất thảy đều đề cập đến những bi kịch của con người, trong đó có bi kịch tha hóa. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về bi kịch. Thông thường, người ta cho rằng bi kịch là trạng thái đau khổ về tinh thần khi con người đứng trước những mâu thuẫn không thể hóa giải, khi mong muốn khát vọng và thực tiễn hoàn toàn trái ngược… Còn “tha hóa,, theo nhiều nhà nghiên cứu, vốn có xuất xứ từ trong triết học của Hê-ghen.Giờ đây, nó đã biến đổi về nghĩa rất nhiều so với ban đầu. Tha hóa được hiểu là đánh mất giá trị, bản chất thông thường vốn có. Chúng ta vẫn quen dùng hai chữ ấy để chỉ những gì thuộc về con người và các hoạt động của con người, liên quan đến chủ thể con người, theo hướng chẳng tốt đẹp gì. Do những nguyên nhân khác nhau, cả Chí Phèo và Trương Ba, hai nhân vật trung tâm trong hai tác phẩm đều rơi vào bi kịch tha hóa đau đớn. Trong tác phẩm “Chí Phèo,,, khác với các nhà văn hiện thực phê phán đương thời Nam Cao không đi sâu miêu tả quá trình đói cơm, rách áo bần cùng khốn khổ của người nông dân, mặc dù trong thực tế, đó cũng là một hiện thực phổ biến.Nhà văn trăn trở băn khoăn suy ngẫm nhiều hơn về một hiện thực còn thảm khốc hơn cả đói rét bần cùng. Đó là sự tha hóa… Tác phẩm được mở đầu bằng tiếng chửi ngoa ngoắt, thách thức của Chí. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng VĐ, chửi những ai không chửi nhau với hắn và cuối cùng chửi người đã sinh ra hắn.Đây là tiếng chửi của một tên say rượu, một tiếng chửi vô thức. Nhưng đôi khi trong vô thức, con người lại thể hiện chính mình nhiều hơn khi tỉnh.Qua tiếng chửi của CP, người đọc cảm thấy như đang đối diện với một con “người- vật,, quái gở, đang ở tận cùng của khổ đau, đang trút lên cuôc đời tiếng nói hằn học, phẫn uất, đầy đau khổ của mình.Cũng qua tiếng chửi của Chí, người đọc nhận ra ba thái độ khác nhau: thái độ hằn học, thù địch đau khổ của Chí, thái độ khinh miệt dửng dưng của người đời, thái độ phẫn uất thương cảm của tác giả.Tiếng nói nhân ái của nhà văn đã đánh thức tấm lòng người đọc. Qua cách dẫn dắt của người kể chuyện, người đọc hiểu rằng trước kia Chí vốn hiền lành lương thiện, tự trọng.Hắn đã từng mơ ước được sống bằng hai bàn tay lao động của mình với “một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải..,,.Làm canh điền cho lí Kiến bị bà bà lợi dụng xúc phạm Chí cảm thấy rất nhục.Chỉ sau khi ở tù về, hắn mới hóa thành một kẻ khác hẳn “Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn…,,.Cái mặt hắn cũng trở nên dị biệt “không trẻ cũng không già, nó không còn phải là mặt người,nó là mặt một con vật lạ..,,Sau khi ở tù về, hắn đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Những cơn say triền miên đã cướp đi ngày tháng của hắn “Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu chửi bới rạch mặt ăn vạ trong lúc say..,,Trong cơn say, hắn đã phá nát bao cơ nghiệp , đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện,,.Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.Nhưng hắn chưa bao giờ nhận ra sự thật nghiệt ngã ấy. Thậm chí còn tự đắc “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta,,.Sự tha hóa hằn in trong bộ dạng trong ngôn ngữ trong hành động và cả trong những ngộ nhận của nhân vật về mình. Chí đã rơi vào tình trạng đáng lo ngại mà không biết. Bị đối xử tàn bạo Chí đã phản kháng bằng sự bạo tàn. Đó là sự “phẫn nộ tối tăm,, như Lênin đã từng nói. Trong “Chí Phèo,,, Nam Cao đã chỉ ra rằng, Chí Phèo không phải một ngoại lệ. Bên cạnh hắn còn có Binh Chức, Năm Thọ.. Đó là kết quả tất yếu của một lô-gic: một khi đã có Bá Kiến, Lí Cường, Đội Tảo.. thì tất sẽ có Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức…Đó không chỉ là sản phẩm của sự thống trị mà còn là một phương tiện thống trị “Không có những thằng đầu bò thì lấy ai trị những thằng đầu bò.,,.Xã hội không chỉ đẻ ra Chí Phèo mà còn tiếp tục nuôi dưỡng Chí Phèo, biến những con người như Chí Phèo thành công cụ thống trị xã hội. Cũng như Chí Phèo, Trương Ba trước đây là con người hoàn toàn khác. Trương Ba là người nông dân chăm chỉ, khéo léo,yêu thương vợ con, chiều quý các cháu, tốt bụng với hàng xóm láng giềng, yêu cây cỏ...Từ khi sống trong xác anh hàng thịt,Trương Ba trở nên vụng về, thô tục, thô bạo, vô tình…Trương Ba thích bán thịt, ham uống rượu, những nước cờ không còn phóng khoáng mà tủn mủn, vô hồn…Trương Ba đã bị xác hàng thịt điều khiển, chi phối. Nếu Chí Phèo tha hóa mà không biết mình tha hóa, thì Trương Ba lại nhận thấy rất rõ tình trạng khốn khổ của mình. Cho dù không muốn thừa nhận, cho dù muốn bám víu vào trò chơi tâm hồn thì Trương Ba vẫn không thể phủ nhận sự thật là ông đang đánh mất mình “ Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta a, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta,,. Cuộc đối thoại thẳng thắn giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt đã đã diễn tả khá sâu sắc nỗi hoang mang hoài nghi, sự bất lực của con người. Mọi lí lẽ của Trương Ba không thể lung lay thứ lập luận lấm láp bụi trần nhưng hùng hồn thuyết phục của xác hàng thịt “Hai ta đã hòa vào nhau làm một rồi,,. Dù khinh bỉ xác hàng thịt, Trương Ba vẫn phải quay trở lại xác hàng thịt. Sự thay đổi của hồn Trương Ba trong thời gian trú ngụ ở xác hàng thịt càng ngày càng rõ nét. Lưu Quang Vũ đã khéo léo mượn lời các nhân vật khác- những người thân trong gia đình Trương Ba để chỉ ra điều ấy.Hồn Trương Ba bây giờ đâu còn là người làm vườn chăm chỉ, hết lòng yêu thương vợ con như trước. Ông cũng chẳng quan tâm dến chuyện của bà con làng xóm. Hồn Trương Ba thô lỗ phũ phàng không còn nhẹ nhàng khéo léo khi chữa diều, chăm sóc cây cối như trước nữa. Ngày cả chị con dâu người thông cảm cho tình cảnh của hồn Trương Ba, cũng xót xa ngỡ ngàng bởi không thấy hình ảnh con người “hiền hậu, vui vẻ tốt lành,, của Trương Ba trước đây. Những lời thoại sau đó của hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức sâu sắc, thấm thía về tình cảnh trở trêu của mình:“ Ông chĩ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết… Nỗi khốn khổ của Trương Ba và Chí Phèo đều do kẻ thống trị gây nên. Bá Kiến nhẫn tâm đẩy Chí Phèo vào tù 7,8 năm. Tiếp thu sự giáo dục của nhà tù thực dân Chí Phèo đã trở thành kẻ côn đồ hung hãn. Hắn vùng lên liều mạng để trả thù. Nhưng hắn đã gặp kẻ thống trị nham hiểm, xảo quyệt và bị biến thành công cụ cho kẻ thù của mình. Ông Trương Ba hiền hậu tử tế, tốt bụng còn đang rất khỏe mạnh,mặc dầu chưa tận số đã phải chết thay cho một tên bạc ác bất nhân, lừa thầy phản bạn, dối trá tham tàn bởi cung cách làm việc luộm thuộm, thiếu trách nhiệm, muốn xong việc nhanh của Nam Tào. Nếu cứ để Trương Ba chết đi thì tác phẩm chỉ là tiếng nói tố cáo sự cẩu thả vô trách nhiệm của Nam Tào. Nhưng Đế Thích đã sữa chữa sai lầm của Nam Tào bằng cách để cho hồn Trương Ba sống lại trong thân xác hàng thịt. Không chỉ Nam Tào mà Đế Thích cũng mắc phải sai lầm. Đâu phải cứ làm điều tốt cho người khác là mang lại hạnh phúc cho họ.Ở địa vị cao, mà không thận trọng với những quyết định của mình, con người dễ gây ra những sai lầm không thể sửa chữa. Bi kịch tha hóa của hồn Trương Ba có nguyên nhân trực tiếp từ sự tắc trách, quan liêu của quan nhà trời. Nhưng còn nguyên nhân gián tiếp ? Ấy là định kiến của con người về xác hàng thịt. Đối với những người thân của Trương Ba và ngay cả Trương Ba, xác hàng thịt là hiện thân cho những gì tầm thường phàm tục nhất. Song đó lại là những nhu cầu thiết thực cho mọi sự sống: được ăn, được mặc, được thỏa mãn những nhục cảm cá nhân.. Phủ nhận những nhu cầu ấy là phủ nhậnphần bản năng trong mỗi người. Vậy thì đâu chỉ có Trương Ba bất hạnh. Xác hàng thịt cũng thật đáng thương !. Chí Phèo tha hóa đã gây ra bao thảm cảnh cho dân làng. Còn hồn Trương Ba đã trở thành tâm điểm của sự rối ren. Không chỉ riêng hồn Trương Ba hay gia đình ông khốn đốn mà còn bao gia đình khác, bao nhiêu cuộc sống khác chao đảo, chịu hệ lụy. Lỗi lầm bắt đầu từ tiên thánh, những kẻ nắm vận mệnh con người và sau đó con người với sự vô sỉ, thỏa hiệp cùng cái xấu đã đẩy tất cả dến chỗ rối ren hơn. Tái hiện sống động và rõ nét bi kịch tha hóa của Chí Phèo, Nam Cao đã bộc lộ một cái nhìn hiện thực sắc sảo đồng thời nói lên sự gắn bó đồng cảm thấu hiểu sâu sắc cuộc sống của người nông dân. Ông đã đem đến cho những trang viết của mình sức mạnh của sự khám phá phát hiện. Trước Nam Cao, các nhà văn hiện thực chỉ mới chú ý tới tình trạng bần cùng hóa. Trước Nam Cao, Nguyên Hồng mới chỉ phản ánh và miêu tả loại nhân vật lưu manh thành thị. Hiện tượng tha hóa, lưu manh ở nông thôn với những đặc điểm riêng, với ý nghĩa quan trọng của nó lần đầu tiên được Nam Cao quan tâm và miêu tả tập trung, rõ nét. Ông đã đem đến cho văn học hiện thực 1930-1945 một điển hình về người nông dân, phơi bày bản chất của nông thôn đen tối trước Cách mạng. Với Lưu Quang Vũ, sự tha hóa của hồn Trương Ba cũng là một hiện thực nhức nhối trong xã hội. Con người “muốn nuôi sống xác thân/ Đem làm thịt linh hồn,, ( Chế Lan Viên). Nhưng bi kịch của Trương Ba còn gợi ra những suy tư về mối quan hệ giữa hồn và xác, giữa ý thức và bản năng...Có ai là toàn vẹn hoàn hảo không? Những đòi hỏi của thân xác có phải tội lỗi đáng ghê tởm không ? Vở kịch do vậy vừa có ý nghĩa xã hội vừa mang tính triết lí sâu xa. Những điều mà hai nhà văn muốn nói qua tấn bi kịch tha hóa không chỉ có thế.Người đọc có thể sẽ nhớ dến một ý kiến rất sâu sắc của Nguyễn Minh Châu: “ Có một số khá đông con người bây giờ đang sống trong một cái thế rất chông chênh giữa một câu nói lịch sử và một câu nói gắt bẳn (...). Và trong từng con người luôn luôn có tiếng gọi thì thầm “Đừng nói thế, đừng làm thế!vRồi lại một lời thúc giục khác: “Cứ nói bừa đi! Cứ làm bừa đi!,,. Nam Cao, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu đã rung chuông thức tỉnh mỗi con người chúng ta. Bởi nhiều khi chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm nhưng ít khi chúng ta thành quan tòa của chính mình. Trong một cơn say, Tự Lãng đã hỏi Chí Phèo: “Con người ta đứng lên bằng cái gì,,. Lời giải đáp tùy thuộc vào bản lĩnh và hoàn cảnh của mỗi con người. Có điều, ngã xuống ở đâu thì nên đứng lên ở đó! 2. So sánh hai nhân vật Huấn Cao (truyện ngắn “Chữ người tử tù”) và ông lái đò (tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”) để làm nổi bật cách xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng. So sánh hai nhân vật Huấn Cao (truyện ngắn “Chữ người tử tù”) và ông lái đò (tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”) để làm nổi bật cách xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng. GỢI Ý 1. Hoàn cảnh * Điểm chung – Phải đối mặt với một môi trường sống chứa đựng nhiều nguy hiểm, đầy thử thách. – Môi trường ấy đồng thời cũng là cơ hội để họ bộc lộ trọn vẹn những vẻ đẹp độc đáo trong tâm hồn, tính cách, khả năng của họ. * Điểm riêng – Huấn Cao + Chế độ phong kiến suy tàn, bắt đầu bộc lộ tính chất xấu xa, đen tối. + Vì chống lại triều đình phong kiến mà Huấn Cao đã bị bắt, bị xử án tử hình, bị giam cầm để chờ ngày ra pháp trường chịu án chém. Những ngày cuối cùng của cuộc đời ông phải sống trong buồng giam tử tù, nơi không có chỗ cho sự tồn tại của thiên lương hay cái đẹp. Do đó, Huấn Cao luôn phải chuẩn bị tâm thế cho những trò đốn mạt, cạm bẫy xấu xa của kẻ tiểu nhân. – Ông lái đò + Môi trường lao động đầy nguy hiểm: Con sông Đà hung bạo, độc dữ như kẻ thù số một. + Công việc lái đò lại là công việc dễ tổn thọ bởi nó đầy những hiểm nguy, buộc người lái đò phải luôn tay, luôn mắt, luôn gân, luôn tim. Nguy hiểm nhất là những lần vượt thác – nơi dòng sông thể hiện đầy đủ nhất cái uy lực khủng khiếp của nó. 2. Đặc điểm: Tài năng phi phàm, xuất chúng: – Huấn Cao: + Tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật – đòi hỏi sự uyên bác và một tâm hồn phóng khoáng. + Tài viết chữ: Nét chữ vuông vắn, tươi tắn, viết nhanh và đẹp. Hồn chữ – điều được kí thác trong từng nét chữ là hoài bão tung hoành của một đời người. Danh tiếng: chữ Huấn Cao nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn đến kẻ vô danh tiểu tốt cũng biết đến mà ngưỡng mộ. Chữ Huấn Cao là một vật báu ở đời, là niềm ao ước của những ai có sự am hiểu về chữ thánh hiền và cảm nhận được giá trị của cái đẹp. Chữ Huấn Cao có khả năng lay động, chinh phục lòng người. – Ông lái đò Tài năng bộc lộ trong lao động với một công việc rất bình thường: lái đò + Tay lái ra hoa: Những động tác chèo lái chứa đựng vẻ đẹp. Cái đẹp đời thường, giản dị mà cũng vô cùng độc đáo. + Linh hoạt trong từng động tác để ứng phó, hoá giải những đòn đánh, thế tấn công của con sông không chỉ độc dữ mà còn có khả năng quân sự tuyệt vời. Sông Đà đã phối hợp được sức mạnh của cả đá và nước. Ông lái đò chỉ đứng trên một con thuyền với một mái chèo, một mình đơn độc giữ bao la sóng thác. Đá sông Đà dàn thạch trận với những cửa sinh, của tử biến ảo không lường. Nước sông Đà có những thế võ và sức mạnh đủ để quật ngã những tay lái non gan và ít kinh nghiệm. mái chèo chỉ là một công cụ bình thường nhưng khi ở trong tay ông lái đò lại như một cây đũa thần, giúp ông ổn định thế trận, hoá giải sức mạnh của mọi đòn tấn công. Với sự linh hoạt của động tác, ông lái đò đã đưa chiếc thuyền vượt qua thạch trận. Lúc thì đè sấn lên sóng thác mà đi, chặt đôi sóng mà tiến,… Con thuyền dưới sự điều khiển của ông lái đò khi tiến khi thoái, khi công khi thủ. Có lúc nó lao vút như một mũi tên tre, xuyên nhanh qua nước, vừa bơi, vừa tự dộng lái được, lượn được. Qua mỗi trùng vi thạch trận, ông lái đò lại đổi tay lái và đổi luôn chiến thuật. Trong trận chiến trên sông, không phải không có lúc người lái đò méo bệch mặt đi vì những vết thương bởi sóng đánh đòn âm, đòn tỉa vào chỗ hiểm. Nhưng chính nhờ xự linh hoạt của động tác, sự biến hoá của chiến thuật đã khiến cho lũ đá nơi ải nước phải tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng. Con thuyền của ông lái đò đã bỏ lại phía sau mình tiếng gieo hò của sóng thác để thanh thản hoà mình vào một không gian mới, không khí mới trên chính con sông vừa mới đây thôi còn là đối thủ trong trận chiến sinh tử. Khí phách hiên ngang, bất khuất trước những hiểm nguy, thử thách không chịu đầu hàng, lùi bước mà sẵn sàng đối mặt với một tâm thế bình thản, ung dung nhất có thể. Thậm chí, họ còn coi những hiểm nguy như một niềm sinh thú trong cuộc sống của mình. * Điểm chung: Coi những hiểm nguy như một niềm sinh thú trong cuộc sống của mình. – Huấn Cao: Quản ngục vì lòng cảm mến Huấn Cao, muốn ông được sống những ngày cuối cùng thoải mái nên đã biệt đãi người tử tù nguy hiểm. Hằng ngày, quản ngục đều sai người mang rượu thịt vào tận buồng giam tử tù. Do chưa biết rõ về con người quản ngục nên trong mắt Huấn Cao, rượu thịt đưa vào là một thứ cạm bẫy. Nhưng ông không hề né tránh mà vẫn đón nhận như một thú bình sinh. – Ông lái đò: Ông lái đò là người không thích chèo đò ở những quãng sông bằng phẳng bởi nó tạo cho ông cảm giác dại chân, dại tay và dễ buồn ngủ. Ông coi những nghềnh thác hiểm nguy chính là tình cảm đậm đà con sông dành cho nhà đò. * Điểm riêng: Tình thế phải đối mặt – Huấn Cao: Cái án tử hình, chốn ngục tù dơ bẩn với những trò tiểu nhân thị oai, với quyền lực xấu xa và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Đối mặt với tình thế ấy, Huấn Cao luôn giữ thái độ ung dung, bình thản, tự do, tự tại. Trò tiểu nhân thị oai không ngăn cản ông thực hiện ý định của mình. Ông sẵn sàng đối mặt với quyền lực đen tối. Ngay cả cái chết cũng không gợi trong ông dù chỉ một thoáng phân vân. Nếu cái tin ngày mai Huấn Cao bị giải về kinh chịu án chém làm viên quản ngục tái nhợt đi, thầy thơ lại hớt hơ hớt hải thì không khiến Huấn Cao bận tâm chút nào. Nỗi bận tâm của Huấn Cao bấy giờ chỉ là nên hay không nên cho chữ quản ngục. – Ông lái đò: những trận thuỷ chiến trên sông, hiểm nguy luôn thường trực trong cuộc sống của những người lao động trên sông nước. Thậm chí, cuộc sống của người lái đò là cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên để giành sự sống từ tay nó về tay mình. Bởi con sông Đà mà ông lái đò phải đối mặt hung bạo, độc dữ như một người dì ghẻ, một kẻ thù số một. Vậy mà ông lái đò dám chung sống suốt đời với nghề chèo đò, dám đối mặt tới cùng (cưỡi trên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ) với tư thế hiên ngang không chịu đầu hàng, lùi bước, luôn bình tĩnh, tỉnh táo để chỉ huy con thuyền vượt sóng thác. Tấm lòng, nhân cách đáng quý Đều đem cái tâm trong sáng, cao quý để đối xử với cuộc sống, con người để vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp, để xây dựng những mối tri kỉ, tri âm. * Huấn Cao Là người có tài viết chữ nhưng ông không dùng cái tài để mưu lợi cá nhân. Bởi ông biết rằng cái quý của chữ nằm ở giá trị tinh thần của nó. Vì thế, ông chỉ cho nhữ những người tri âm tri kỉ, những con người hiểu được tấm lòng của ông. Huấn Cao cho chữ viên quản ngục bởi ông nhận ra ở quản ngục một thiên lương trong sáng, một tấm lòng đáng trọng. Trao bức lụa với những nét chữ vuông vắn, tươi tắn vào tay quản ngục là trao cái đẹp vào tay người say mê cái đẹp, là trao tấm lòng cho người có tấm lòng. Hơn thế nữa, từ khi nhận ra con người quản ngục, Huấn Cao đã thể hiện sự trân trọng trong cách xưng hô, lựa chon không gian, thời gian viết chữ. Niềm mong muốn bảo vệ thiên lương cho con người đáng trọng đó bộc lộ ở lời khuyên chí tình. Chính tấm lòng, nhân cách của Huấn Cao đã lay động sâu sắc đến tình cảm của viên quan coi ngục, khiến quản ngục nghẹn ngào, cúi đầu xin bái lĩnh. Như vậy, cái đẹp do Huấn Cao sáng tạo ra có thể tồn tại bất tử và có ý nghĩa đối với con người, cuộc đời. * Ông lái đò – Gắn bó thuỷ chung với con sông Đà, ông coi sông Đà như một kì phùng địch thủ để thi thố tài năng. Đồng thời, với ông, con sông Đà lắm tài nhiều tật còn là một người tri kỉ tâm giao. Chính sự am hiểu đã giúp ông chinh phục được sông Đà. – Tấm lòng và trách nhiệm đối với quê hương đất nước + Quá khứ: Thời chúa đất ngăn sông cắt bến, kẻ thù lùng sục, không thể trực tiếp chèo đò đưa bộ đội qua sông, những con đò bỏ vắng ven sông cùng với quy ước ngầm của những người lái đò (anh cán bộ nếu không muốn cho địch biết cái bến mình vừa sang thì cứ việc thả cho thuyền trôi dọc sông, người bến dưới bắt được sẽ gửi trả lại người phía trên này) chính là tấm lòng của người lao động với cách mạng, kháng chiến. + Hiện tại: Khi đất nước đang trong thời kì dựng xây, ông lái đò lại rất tự hào kể về việc được chở một đoàn chuyên gia ta và chuyên gia Nga đi khảo sát địa hình, chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy thuỷ điện. Đây là một ngườiềm tự hào chân chính của một người công dân khi được đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước. 3. Đánh giá chung – Cả hai nhân vật đều được xây dựng bằng biện pháp lí tưởng hoá, xuất phát từ cơ sở của cái nhìn độc đáo về con người của nhà văn Nguyễn Tuân: Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ để có thể làm nổi bật những vẻ đẹp phi thường trong tài năng, cốt cách của các nhân vật. Nhà văn đã đặt nhân vật vào những tình huống đầy thử thách, những mối quan hệ nhìn bề ngoài là đối nghịch nhưng bên trong là tri kỉ, tri âm để các nhân vật vừa bộc lộ khí phách, nhân cách, tài năng xuất chúng hơn người. Đồng thời, để tạo nên sức thuyết phục của hình tượng nhân vật, Nguyễn Tuân đã huy động kho vốn kiến thức trên nhiều lĩnh vực kết hợp với trí tưởng tượng độc đáo. * Chữ người tử tù Sáng tác trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân lúc này là một nhà văn lãng mạn, ông đã tìm kiếm sự độc đáo bằng cách xây dựng những nhân vật đặc tuyển – hình mẫu lí tưởng của những cong người một thời vang bóng, những anh hùng bất đắc chí, những nho sĩ cuối mùa dù sa cơ thất thế vẫn cương quyết không chịu dung hoà với môi trường đen tối, với xã hội bát nháo, lố lăng. * Người lái đò sông Đà Sáng tác vào những năn 60, Nguyễn Tuân lúc này đã trở thành một nhà văn cách mạng. Ông không còn đối lập xưa – nay, cổ – kim, cũng không còn tìm kiếm cái đẹp của một thời vang bóng mà ở ngay cuộc sống hiện tại với những con người bình thường. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, ông lái đò tuy chỉ là một người lao động bình thường nhưng lại có khí phách của một người anh hùng và tài năng, tấm lòng của một người nghệ sĩ. – Nếu như khi xây dựng Huấn Cao, Nguyễn Tuân chủ yếu sử dụng tri thức về nghệ thuật thì khi xây dựng nhân vật ông lái đò, nhà văn cần rất nhiều vốn tri thức đời sống. Bởi vậy, những chuyến đi thực tế, sự gắn bó với những người lao động, công phu tìm hiểu cuộc sống, công việc của họ chính là điều kiện cần thiết để ngòi bút nhà văn có thể thăng hoa. Chính điều này giúp ngòi bút Nguyễn Tuân giữ được uy lực của mình, vẫn giữ được tài năng của mình. Những tác phẩm văn chương thống nhất ở tư tưởng nhưng phong phú, sáng tạo trong nghệ thuật biểu hiện. (Nguyễn Thanh Huyền – giáo viên văn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi – tỉnh Hải Dương) 5. Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12). BÀI THAM KHẢO 1. Giới thiệu Trên cơ sở những hiểu biết về tác gia Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo; tác giả Tô Hoài và truyện ngắn " Vợ chồng A Phủ", học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và các đối tượng so sánh: Nam Cao, cây bút hiện thực xuất sắc và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Chí Phèo (1941) là kiệt tác đã kết tinh cao nhất cho đặc điểm nghệ thuật của nhà văn. Chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” là một trong những chi tiết đặc sắc thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm. Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ khi viết đề tài miền núi, trong đó có tác phẩm Vợ chồng A Phủ - đạt giải Nhất, Giải thưởng hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thể hiện rõ điều đó có lẽ phải kể đến chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi”. 2. Làm rõ các đối tượng so sánh - CHI TIẾT "TIẾNG CHIM HÓT NGOÀI KIA VUI VẺ QUÁ" * Về nội dung: Cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và trận ốm đã làm cho con quỷ dữ có sự thay đổi hẳn cả về sinh lí lẫn tâm lý. Từ khi mãn hạn tù trở về, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Và lần đầu tiên Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi tha thiết của cuộc sống. Khi tỉnh táo, Chí phèo đã nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lần đầu tiên tỉnh táo, suy nghĩ, Chí nhận thấy tình trạng bi đát, tuyệt vọng của cuộc đời mình. * Về nghệ thuật: Là chi tiết quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách tâm lí và bi kịch của nhân vật. Qua chi tiết này, Nam cao khẳng định: chất người không bao giờ mất đi được ngay cả khi họ bị xã hội thối nát, tàn bạo cướp mất đi cả nhân hình lẫn nhân tính. - CHI TIẾT "MỊ NGHE TIẾNG SÁO VỌNG LẠI, THIÊT THA BỔI HỔI" * Về nội dung: Mùa xuân trên miền núi Tây Bắc được miêu tả rất đẹp: Thiên nhiên Tây Bắc vào xuân, màu sắc của những chiếc váy hoa, tiếng cười nói của đám trẻ chơi quay đợi tết, đặc biệt là tiếng sáo da diết xoáy sâu vào trái tim tưởng như băng giá của Mị. Ngoại cảnh đã làm thức dậy trong Mị ý thức về tình yêu và hạnh phúc. Khi nghe tiếng sáo, Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp, nhận thức được hiện tại, thấm thía thân phận và dẫn đến hành động (uống rượu, thắp đèn cho sáng căn buồng, lấy váy hoa để đi chơi,…) nhưng A Sử dập tắt ý định của Mị một cáh bạo tàn. Trong khi bị trói, Mị vẫn không biết mình đang bị trói, tâm hồn Mị vẫn nương theo tiếng sáo để đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Tiếng sáo đã xúc tác mạnh tới tâm hồn Mị, đẩy tình huống truyện lên cao trào, ý muốn tự do của cô Mị lên đỉnh điểm, để cho tới khi quyết tâm cắt dây trói cứu A Phủ trong đêm đông và cùng bỏ trốn thì nút thắt của câu truyện được hóa giải. * Về nghệ thuật: Là một trong những chi tiết góp phần làm thay đổi trạng thái tâm lý của nhân vật. Là chi tiết góp phần khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị, góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. 3. So sánh - Sự tương đồng: Đó là những âm thanh hết sức kì lạ, nó len lỏi vào tận sâu tâm hồn vốn tưởng như đã chết của nhân vật để khơi dậy trong họ niềm ham sống và khát khao sống mãnh liệt. Đây cũng là những chi tiết góp phần tô đậm giá trị nhân đạo cho hai tác phẩm Là những chi tiết cho thấy sự tài năng của hai nhà văn. - Sự khác biệt: Tiếng chim hót trong truyện ngắn "Chí Phèo" là âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh, âm thanh ấy hôm nào cũng có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy vì chỉ đến hôm hay, Chí mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới được đánh thức. Âm thanh ấy thổi bùng khát khao được làm người lương thiện của Chí. Tiếng sáo trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" là âm thanh gợi cho Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp và khát khao một cuộc sống tự do. Tiếng sáo làm cho sức sống tiềm tàng trong Mi trỗi dậy một cách mãnh liệt. 4. Lý giải sự khác biệt: Do sự khác biệt về bối cảnh mà chi tiết tồn tại. Do sự khác biệt về phong cách của hai nhà văn. - Khái quát vấn đề và nêu cảm nghĩ của bản thân. 6. Sự hồi sinh nhân tính của Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và Mị (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài). BÀI THAM KHẢO Nam Cao và Tô Hoài là hai cây bút xuất sắc trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu như Nam Cao đi vào khai thác đề tài người nông dân ở làng Đại Hoàng – quê hương của nhà văn, thì Tô Hoài lại rất thành công trong việc tìm đến người lao động miền núi Tây Bắc xa xôi để xây dựng nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đọc Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hẳn bạn đọc không thể quên được hai nhân vật Chí Phèo và Mị, nhất là sự hồi sinh nhân tính của họ. “Văn chương là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”, Nam Cao và Tô Hoài đã có sự gặp gỡ, đồng điệu về tư tưởng, tình cảm. Đó chính là tiếng nói yêu thương sâu sắc của nhà văn dành cho nhân vật của mình. “Hồi sinh” có nghĩa là sống lại. “Hồi sinh nhân tính” là tính người, tình người được sống lại. Nói về sự hồi sinh nhân tính, ta đã bắt gặp sự hồi sinh ấy trong văn học trước đó, bất cứ nhân vật nào, một khi đã tha hóa, họ đều có quá trình thức tỉnh về tâm hồn, như Trương Sinh (Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ, như Hộ (Đời thừa – Nam Cao). Nếu như Trương Sinh thức tỉnh sau cái chết oan uổng của vợ, thì Hộ thức tỉnh sau khi đánh đuổi vợ con vì gánh nặng cơm áo. Trương Sinh đã lập đàn giải oan cho vợ, Hộ đã khóc, giọt nước mắt của Hộ chính là bằng chứng cho sự thức tỉnh, hồi sinh nhân tính. Còn sự hồi sinh nhân tính của Chí Phèo và Mị được Nam Cao, Tô Hoài dẫn giải như thế nào? Để lí giải sự hồi sinh nhân tính của hai nhân vật, Nam Cao và Tô Hoài đều viện dẫn đến những tác nhân tác động từ bên ngoài. Đúng vậy, phải có sự tác động thì con người ta mới có thể thức tỉnh, cũng giống như con người khi chìm vào giấc ngủ say triền miên, phải có sự tác động thì ta mới có thể tỉnh giấc. Cả Chí Phèo và Mị đều có tác nhân như vậy. Chí hồi sinh nhân tính sau đêm gặp thị Nở. Tình người của thị Nở đã đánh thức tình người nơi Chí và chỉ có tình người ấy mới khơi dậy sự hồi sinh của Chí. Còn Mị lại thức tỉnh về nhân tính trong đêm tình mùa xuân. Nếu như Chí nhờ có tác động của con người, tình người thì Mị lại nhờ sự tác động của cảnh vật, để hồi tỉnh lại nhân tính. Trước khi hồi sinh nhân tính, cả Chí và Mị đều có những số phận và bi kịch đau đớn giống nhau. Chí Phèo vốn là người nông dân hiền lành, chất phác, chăm chỉ, ở thuê cho nhà bá Kiến. Vì sự ghen tuông của bá Kiến mà Chí bị đẩy vào nhà tù thực dân. Nhà tù thực dân ấy, oan trái thay, nó tiếp nhận con người khi người ta vô tội, lương thiện và trả người ta ra khi họ đã trở thành kẻ tha hóa, mất đi cả nhân hình và nhân tính, về nhân hình, Chí là một con vật lạ với khuôn mặt “vằn dọc vằn ngang không biết bao nhiêu là sẹo”, về nhân tính, Chí là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ và làm tay sai đòi nợ cho bá Kiến. Bi kịch đau đớn nhất của Chí Phèo là “bị từ chối quyền làm người, cha mẹ từ chối Chí, dân làng cũng từ chối Chí”. Chí rơi vào bi kịch khi không có ai đón nhận Chí trở về với cái xã hội bằng phẳng kia. Nếu như là con người thì đâu ai dám vạch mặt mình như vậy, đâu ai dám sẵn sàng đâm thuê, chém mướn, chĩ vì đồng tiền, đâu dám “đốt quán” của “bà bán rượu” nhưng Chí đã trở nên mất đi “tính người”, mất đi “nhân tính” như vậy. Mị cũng là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi và hiếu thảo, và Mị cũng phải chịu một số phận đau đớn không kém Chí Phèo là mấy. Mị phải trở thành “con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra”. Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô gái, ngồi quay sợi, thái cỏ ngựa,… lúc nào cô ấy cũng cúi mặt buồn rười rượi. Mị giống như một con rùa được nuôi trong xó cửa. sống ở nhà thống lí Pá Tra, Mị cũng như những người phụ nữ trong nhà này, làm việc tối ngày bận bịu. Nếu như Chí Phèo của Nam Cao mong muốn được giao tiếp với con người thì Mị lại không buồn giao tiếp. Mị lúc nào cũng lầm lũi, cô cũng mất đi tính người nhưng “tính người” bị mất đi ở đây khác với Chí. Nếu như Chí Phèo bị tha hóa về nhân tính, trở thành một con quỷ dữ thì Mị lại mất đi nhân tính ở chỗ cô không được coi là một con người. Sống ở nhà thống lí Pá Tra, MỊ như một “con trâu, con ngựa”. Bởi con trâu, con ngựa còn có lúc nghỉ ngơi, đằng này Mị phải làm quần quật suốt cả ngày. Chính vì cuộc sống như vậy mà Mị đã trở thành một con người mất đi sức sống. Tuy có những nét giống nhau về số phận và cuộc đời, song quá trình hồi sinh nhân tính của Chí Phèo và Mị lại rất khác nhau. Sự hồi sinh nhân tính của Chí là sau đêm gặp thị Nở, chính tình người của thị Nở đã đánh thức “nhân tính” trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy. Thị là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn của làng Vũ Đại. Thế nhưng, bên trong cái ngoại hình xấu xí và tính cách dở hơi của thị là một tấm lòng rất bao dung và vị tha. Sau một đêm ăn nằm với nhau, sáng hôm sau tĩnh dậy, Chí lần đầu tiên để tâm lắng tai nghe những âm thanh xung quanh mình, những âm thanh của cuộc sống và cảm thấy cuộc sống cũng thật thú vị. Và Chí thèm được làm người lương thiện. Khát vọng lương thiện ấy chính là bằng chứng cho sự hồi sinh nhân tính của Chí. Chí nhớ lại cuộc đời mình trước khi bị đẩy vào nhà tù thực dân với những ước mơ hết sức bình dị. Chí nhận ra rằng thị Nở cũng có duyên và muốn cùng thị chung sống. Chí đã mong muốn được làm người và thị Nở chính là chiếc cầu nối đưa Chí trở về với con người lương thiện. Nhờ có tình người của thị mà Chí hồi sinh nhân tính, khao khát được sống một cuộc sống lương thiện. Với Mị sức sống hồi sinh nơi người con gái ấy là tiếng sáo vi vu gọi bạn tình trong đêm tình mùa xuân Tây Bắc. Mùa xuân, mùa của sức sống mãnh liệt. Mị sống trong nhà thống Pá Tra như một con người đã mất đi linh hồn. Thế nhưng, trong đêm tình mùa xuân năm ấy, khi cái lạnh tràn về, khi những thiếu nữ phơi “chiếc váy xòe như những cánh bướm của mình trên những phiến đá” và đám trẻ con chơi đùa và tiếng sáo gọi bạn tình đã bắt đầu xuất hiện. Mị dường như được sống lại với chính tâm hồn mình. Cô hồi tưởng lại quá khứ khi được cùng người yêu đi chơi trong những đêm tình mùa xuân. Cũng giống như Chí, Mị cũng hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp, khi Mị còn là người con gái đẹp có tài thổi sáo rất hay. MỊ uống rượu và khi ngà ngà say, Mị bỗng nhiên nghe thấy tiếng sáo gọi bạn tình và Mị cũng muốn đi chơi. Mị muốn đi chơi như hồi còn trẻ. Mị vào góc nhà xắn thêm ít mỡ bỏ vào chiếc đèn cho sáng, với tay lấy chiếc váy. Những hành động ấy chứng tỏ rằng Mị đã thật sự hồi sinh, sức sống tiềm tàng trong con người Mị đã được sống dậy nhờ âm thanh của tiếng sáo. Cũng giống như Chí Phèo âm thanh của cuộc sống xung quanh thức tỉnh tâm hồn, đánh thức sức sống mãnh liệt của Mị. Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, ngay cả khi Mị đã bị A Sử trói chặt vào cột nhà. MỊ đã thả hồn bay theo tiếng sáo của đêm tình mùa xuân. Mị vô thức, Mị không cảm thấy đau đớn vì lúc này sự hồi sinh nhân tính của Mị rất mạnh mẽ. Chí Phèo và Mị đều được hồi sinh nhân tính. Sự hồi sinh ấy cho ta thấy cái nhìn nhân đạo của Nam Cao và Tô Hoài. Phải thực sự yêu thương cảm thông với nhân vật của mình, hai nhà văn mới có thể để cho họ hồi sinh nhân tính như vậy. Với Chí Phèo là trở về với cuộc sống lương thiện, còn với Mị là được bộc lộ sức sống tiềm tàng của cô. Cả Nam Cao và Tô Hoài đều rất xót thương, đồng cảm cho số phận của Chí Phèo và Mị, trân trọng nhữỉig ước mơ bình dị của họ. Mặt khác, từ sự hồi sinh về nhân tính của Chí Phèo và Mị, họ đã nói lên tiếng nói phê phán gay gắt những thế lực chà đạp lên số phận của con người bất hạnh ấy. Cái xã hội với những tàn dư phong kiến, bá Kiến đã đẩy Chí vào sự tha hóa.Và những hủ tục cổ hủ của miền núi với kẻ thông trị gian ác, tham lam như thống lí Pá Tra đã cướp sạch, bào mòn sức sống của Mị. Mặc dù, viết về những đề tài khác nhau, nhưng cuộc đời và số phận của các nhân vật đều là sự trải nghiệm, dày công tìm tòi của các nhà văn. Thông qua các nhân vật của mình nhà văn muốn nói lên tiếng lòng, sự cảm thương cho số phận của họ. Đó chính là những giá trị nhân đạo của tác phẩm. Gấp lại hai truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, ta có thể nhận thấy sự hồi sinh nhân tính đưa hai nhân vật đến với những cuộc sống mới khác nhau nhưng giá trị của sự hồi sinh ấy lại có một giá trị hết sức giống nhau, nó phản ánh tiếng lòng của Nam Cao và Tô Hoài dành cho nhân vật Chí Phèo và Mị, những con người có số phận rất đáng thương xót. (Chia sẻ kiến thức 24h) 7. Số phận người nông dân trong hai tác phẩm "Vợ Nhặt" và "Chí Phèo" BÀI THAM KHẢO Đau đớn, quằn quại, Chí Phèo chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện. Mòn mỏi, lay lắt, những kiếp người trong "Vợ nhặt" của Kim Lân sống trong nghèo khổ, tủi nhục và âm thầm tiến đến bên bờ vực của cái chết, ngay khi đang sống. Mỗi trang văn củaNam Cao và Kim Lân như thấm đẫm những day dứt, đau đớn về số phận con người, đau đáu một khát khao cho hạnh phúc nhân thế và ngời sáng một niềm tin bất diệt về con người. Dẫu hai tác phẩm đã có những hướng đi khác nhau, một bên là sự trăn trở trước nỗi khổ của một số phận bị chà đạp, mất hết cả nhân hình lẫn nhân tính, không được quyền làm người, một bên là nỗi đau đớn của những thân phận bị rẻ rúng trong cái đói, nghèo, nhưng hai nhà văn đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân chính: ấy là cảm hứng nhân đạo thiết tha. 1. a. Nam Cao (1915-1951) là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc nhất của văn học Việt Nam giai đoạn 1939- 1945. Năm 1941, tác phẩm "Chí Phèo" ra đời đã gây một tiếng vang lớn, đưa tên tuổi của Nam Cao lên đến đỉnh vinh quang của thành công nghệ thuật về đề tài người nông dân. Trước đó, văn học Việt Nam cũng đã xây dựng được những hình tượng người nông dân khá hấp dẫn trong xã hội cũ như chị Dâu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, anh Pha trong "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan... nhưng phải đến khi Chí Phèo " ngật ngưỡng" bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta mới thực sự thấy được hình tượng điển hình sắc sảo nhất cho nỗi thống khổ của người nông dân trước Cách mạng. b. Cùng viết đề tài người nông dân trước 1945, trong nền văn học Cách mạng (1945-1975), Kim Lân đã viết truyện ngắn "Vợ nhặt" dựa trên một chương truyện dài "Xóm ngụ cư"cho ta thấy được tình cảnh khốn cùng của người nông dân trong nạn đói 1945 khủng khiếp. Ý của truyện là " Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết thảm đạm để mà vui, mà hy vọng" 2. Từ đề tài chung đó, mỗi tác phẩm đã có những khám phá riêng về số phận và cảnh ngộ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tam - 1945 a. Khám phá mới mẻ của Nam Cao là khám phá về cuộc sống của người nông dân trong tột cùng nỗi khổ, trong bi kịch bị tha hoá, bị đày đoạ lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người. Họ khao khát, ước mơ một cuộc sống lương thiện nhưng lại bị chà đạp tàn bạo về nhân phẩm khiến không những không được làm người mà còn bị biến thành quỷ dữ, bị xã hội xa lánh. Chí Phèovốn có một thân phận khốn khổ từ khi sinh ra: hắn là đứa trẻ bị bỏ rơi, không nhà cửa, không họ hàng thân thích. Tuy nhiên, đã có một thời Chí cũng là một người nông dân lương thiện khoẻ mạnh về thể xác, lành mạnh về tâm hồn. Cả đời hắn chỉ có một ước mơ bình dị: có một gia đình, chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải. Nhưng rồi cái mơ ước bé nhỏ và chính đáng ấy cũng không bao giờ thực hiện được. Bi kịch cuộc đời Chí bắt đầu từ khi hắn làm canh điền cho nhàBá Kiến, bị bắt đi ở tù mà không hiểu vì sao! Từ một thanh niên hiền lành, nhà tù thực dân đã biến Chí thành một tên lưu manh, mang diện mạo của một con quỷ dữ, mất cả nhân tính lẫn nhân hình, khi trở về làng. Chính vì thế, Chí Phèo đã phải chịu nỗi khổ đầu tiên là bị con người xa lánh, bị cả xã hội ruồng bỏ. Hình ảnh Chí Phèo với "cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết" khật khưỡng vừa đi vừa chửi bới, nguyền rủa lảm nhảm... mà không có một lời đáp lại là biểu tượng cho nỗi cô đơn tột đỉnh của Chí. Niềm khát khao giao hoà với cuộc sống của Chí đã bị cái ngoảnh mặt lạnh lùng của xã hội dập tắt. Người ta không thèm ném cho hắn dù chỉ là một tiếng chửi. Số phận của người nông dân là thế, từ Năm Thọ, Binh Chức đến Chí Phèo, cuộc đời bị bọn thống trị độc ác và nhà tù tàn bạo của chế độ thực dân làm cho tha hoá, và bị gạt bỏ ra ngoài xã hội loài người. - Đỉnh cao của những nỗi khổ trên là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Giữa bóng tối mênh mông của cuộc đời, vào một đêm trăng thơ mộng, Chí Phèo được gặp Thị Nở. Được sự săn sóc giản dị với bát cháo hành hiện thân của nhân tình, ý thức nhân tính trong con người Chí Phèo đã thức dậy. Chí Phèo khao khát trở về cuộc sống bằng phẳng của những con người lương thiện "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn". Chí Phèo hồi hộp hi vọng. Nhưng cánh cửa hi vọng vừa hé mở thì đã bị đóng sầm ngay lại. Vì bà cô Thị Nở hiện thân của những thành kiến, định kiến bất công, tồi tệ, vô nhân đạo của xã hội cũ đã không cho Thị Nở "đâm đầu đi lấy một thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ". Thế là Chí Phèo thực sự lâm vào một tấn bi kịch tâm hồn đau đớn: bi kịch bị xã hội dứt khoát cự tuyệt làm người. Kết cục Chí Phèo phải tìm đến một cái chết đầy bi phẫn, thảm thương của một con vật. - Qua "Chí Phèo", Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội phổ biến ở nông thôn ViệtNam trước Cách mạng: một bộ phận người nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá. b. Trong "Vợ nhặt" của Kim Lân, thân phận nghèo hèn của mẹ con Tràng, dân ngụ cư thật tội nghiệp: nghèo tới mức một đời khao khát lấy được một người vợ để có được một mái ấm gia đình mà cũng không được. - Khi nạn đói khủng khiếp năm 1945 tràn đến, thân phận người nông dân hiện ra mới thảm thương làm sao! "Cái đói đã tràn đến xóm ngụ cư từ lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngỗn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng về không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên...mùi gây của xác người", "Tiếng quạ... cứ gào lên từng hồi thê thiết...". Cái đói đã huỷ hoại cả hình thức lẫn tâm hồn người vợ nhặt "Nom chị ta rách rưới quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa". Chị ta "gầy xọp", "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt". Cái đói khiến thị phải gợi ý Tràng cho ăn và chị cắm đầu một chặp bốn bát bánh đúc liền rồi "ton ton" chạy theo về làm "vợ nhặt"người đàn ông xa lạ kia. Cái cảnh rước dâu diễn ra thật thương tâm: Thị cúi đầu lầm lũi, thèn thẹn đi cách Tràng vài bước trong lời trêu chọc và ánh mắt của trẻ con và người lớn xóm ngụ cư. Và bữa cỗ ngày cưới cũng thật tội nghiệp: "Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một cái đĩa muối ăn với cháo". Cùng với một nồi cháo cám "đắng chát và nghẹn bứ trong cổ"... Tất cả những điều ấy đã phơi bày được sự nghèo đói và tình trạng thê thảm của con người trong bối cảnh lúc bấy giờ. Sự kết thúc của hai thiên truyện a. Sự khác nhau: Truyện "Chí Phèo" kết thúc bằng cách lặp lại hình ảnh cái lò gạch cũ đã xuất hiện ở phần đầu tác phẩm. Khi nghe tin Chí Phèo chết, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và trong óc thị thoáng hiện ra hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ không và vắng bóng người qua lại. Còn truyện "Vợ nhặt" kết thúc bằng hình ảnh hiện lên trong óc Tràng: đoàn người đi phá kho thóc của Nhật cùng với hình ảnh lá cờ đỏ của Việt Minh bay phấp phới. Hình ảnh này đối lập với hình ảnh về cuộc sống thê thảm của người nông dân được miêu tả trong những phần trước của thiên truyện. b. Giải thích vì sao có sự khác nhau: - Do hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh lịch sử: "Chí Phèo" viết trước cách mạng (viết năm 1940, in năm 1941) trong hoàn cảnh đen tối của xã hội Việt Nam đương thời. Còn "Vợ nhặt" là tác phẩm của nền văn học cách mạng từ sau 1945 có khả năng và cần thiết phải chỉ ra chiều hướng tích cực của đời sống xã hội. c. Kết thúc "Chí Phèo" đầy ám ảnh, góp phần tạo nên kết cấu theo kiểu vòng tròn, thể hiện sựluẩn quẩn bế tắc của số phận người nông dân; đồng thời cho ta thấy "hiện tượng Chí Phèo" vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội cũ. Còn kết thúc "Vợ nhặt" mở ra một hướng giải thoát cho số phận các nhân vật, chỉ ra con đường sống của người nông dân, và cho thấy khi bị đẩy vào tình trạng đói khát cùng đường thì những người nông dân nghèo khổ sẽ hướng tới Cách mạng. 4. Phân tích những nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm a) Nhà văn Sêkhốp đã từng nói: " Mỗi nhà văn chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ". Điều này rất đúng với Nam Cao và Kim Lân. Trên mỗi trang sách của hai nhà văn luôn luôn có một trái tim đập thổn thức vì nỗi đau của con người và một tấm lòng trân trọng trước vẻ đẹp của họ. Tuy nhiên mỗi nhà văn đã có những cách thể hiện, khám phá riêng rất đặc sắc để làm nên tính sinh động, đa dạng, hấp dẫn cho từng tác phẩm. b) Ở tác phẩm "Chí Phèo", điểm đặc sắc riêng của Nam Cao là đã lớn tiếng tố cáo tội ác của xã hội thực dân phong kiến đã đấy người nông dân lương thiện vào tình trạng tha hoá, lưu manh hoá, huỷ hoại cả nhân tính và nhân hình của con người. Từ đó, tác phẩm đã vút lên tiếng kêu khẩn thiết đòi quyền sống, quyền làm người lương thiện cho những con người cùng khổ trong xã hội cũ. Điều đặc biệt là Nam Cao vẫn có niềm tin bất diệt vào bản chất lương thiện của người lao động và khẳng định khát vọng lương thiện của họ ngay cả khi họ bị đẩy vào tình trạng lưu manh hoá. Với "Chí Phèo" , Nam Cao là nhà văn đồng tình với khát vọng lương thiện của con người. c) Còn trong "Vợ nhặt", Kim Lân đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với tình trạng đói khổ cùng cực của người nông dân lao động. Nhà văn khẳng định bản chất tốt đẹp của họ. Trong cảnh cùng đường đói khát, họ vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Ánh sáng của tình người là thứ ánh sáng đẹp nhất, rạng rỡ nhất trong những ánh sáng le lói trong bầu không khí ảm đạm của tác phẩm. Kim Lân còn thể hiện một khát vọng nhân bản của con người. Khi bị đẩy đến bước đường cùng, người lao động vẫn không bao giờ mất hết niềm tin, họ vẫn khao khát hạnh phúc, khao khát sống, bám lấy sự sống như một quy luật sinh tồn tất yếu. Điều đặc biệt là "Vợ nhặt"còn mở ra một con đường giải quyết cái đói nghèo, bế tắc, đó là cách mạng. Trải qua bao nhiêu năm, " Chí Phèo" và "Vợ nhặt" vẫn là những tác phẩm xuất sắc về đề tài người nông dân trước năm 1945. Với một đề tài cũ, song hai tác phẩm đã thể hiện sự phát hiện, khám phá mới mẻ về cảnh ngộ người nông dân và tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Đó là những tác phẩm sẽ "Vượt qua sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". (Sêđrin) (Theo http://bikipthidaihoc.blogspot.com/2014/08/so-phan-nguoi-nong-dan-trong-chi-pheo-va-vonhat.html)