Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

"ĐÂY THÔN VĨ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ

Đề : Cảm nhận của em về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử
Hướng dẫn lập dàn ý
  I. Mở bài
    - Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ ca lãng mạn 1930-1945.
    - “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử nằm trong tập “Thơ điên” (hay “Đau thương”) được chính nhà thơ tập hợp lại vào 1938.
    - Bài thơ thể hiện nổi cô đơn, tuyệt vọng của một con người trong thế giới đau thương đối với cuộc đời đầy niềm vui, ánh sáng bên ngoài.
  II. Thân bài
      a. Thiên nhiên con người xứ Huế trong buổi bình minh
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
- Câu thơ 1:
+ Hình thức: câu hỏi.
+ Nội dung: lời mời, lời trách móc.
à Chủ thể trữ tình tự phân thân, tự giãi bày tâm trạng: nuối tiếc, nhớ mong.
- Bức tranh thôn Vĩ đ­ược khắc hoạ tươi đẹp, sống động. Hình ảnh: Nắng hàng c au - Nắng mới.
àNắng ban mai buổi hừng đông tinh khiết trong lành chiếu lên những hàng cau còn ­ớt đẫm sương đêm.
àNắng có linh hồn riêng. Nắng mang hồn xứ Huế.

- Sự lặp lại 2 lần từ “nắng” khiến câu thơ tràn ngập ánh sáng.
àThiên nhiên  sống động rạng ngời , gợi cảm giác khoẻ khoắn, ấm áp.

- Đại từ phiếm chỉ “ai” gợi cái ám ảnh thương nhớ.
-“Xanh như ngọc”: Biện pháp so sánh gợi lên màu sắc tươi sáng của vườn cây.
- “Mặt chữ điền”: khuôn mặt hiền lành phúc hậu.

àVẻ đẹp: cảnh và ng­ười xứ Huế.

Bức tranh thiên nhiên đẹp, thơ mộng, tràn đầy sức sống, đầy ắp ánh sáng, có màu sắc, có đường nét. Hình ảnh con người: dịu dàng e ấp.
àTiếng nói bâng khuâng rạo rực của một tâm hồn yêu đời, khát sống, hướng về cái trong trẻo, thánh thiện.
      b. Đêm trăng Vĩ Dạ
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
    - Vẫn là cảnh sắc thiên nhiên nhưng trong khổ thơ này cảnh đã được “lạ hóa” in đậm cái Tôi đau thương của nhà thơ. Cảnh có gió, mây, hoa, dòng nước, hoa bắp, con thuyền, bến sông…Nhưng tất cả không một chút ràng buộc, không một mối dây liên hệ với nhau. Trong tự nhiên gió và mây không tách rời nhau. Gió có thổi thì mây mới bay và mây bao giờ cũng bay theo gió. Nhưng ở đây, mây và gió đã chia lìa, đoạn tuyệt với nhau.
    - Trong cái xu thế tất cả dường như đều chia lìa, li tán. Trăng đã xuất hiện cùng với con thuyền, bờ bến và dòng sông.
   - Sự liên tưởng đầy biến hóa táo bạo của nhà thơ qua hình ảnh “sông trăng” con thuyền “chở trăng”. Có thể hiểu hình ảnh “sông trăng” theo hai cách: trăng tỏa sáng xuống dòng sông, nước sông phản chiếu ánh trăng hay ánh trăng tan biến thành nước nên dòng sông hóa thành “sông trăng”.
    - Trên dòng sông là con thuyền chở trăng về cập bến thời gian “tối nay”. Sự liên tưởng đầy biến hóa đã làm cho hai câu thơ tràn ngập ánh trăng. Điều đó ít nhiều làm mờ nhạt đi tâm trạng khắc khoải, thản thốt của nhà thơ ẩn đằng sau hình ảnh trăng, nước.
      c. Tâm trạng băn khoăn, hoài nghi
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
                                                  Áo em trắng quá nhìn không ra
                                                  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
                                                  Ai biết tình ai có đậm đà?”
   - Câu thơ thứ nhất trong khổ thơ được ngắt nhịp 4/3. Trong đó có ba âm tiết được lập lại tạo thành điệp ngữ “khách đường xa”. Cách ngắt nhịp đó cùng với phép điệp ngữ tạo nên nhịp điệu gấp gáp, hối hả như một lời khẩn khoản, níu kéo trong tuyệt vọng.
   - Hình ảnh người con gái xuất hiện trong mơ tưởng với sắc áo trắng, trắng đến nổi nhà thơ thản thốt “nhìn không ra”.
    - “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” : Hàn Mặc Tử dùng hình ảnh “mờ nhân ảnh” để chỉ cái tôi đau thương của mình. Cái tôi nhạt nhòa không ra đường nét, tồn tại mà như không tồn tại nữa. ( “Cái quay búng sẵn trên trời – Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” – “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều). Một sự nhìn nhận đầy mặc cảm. Cái tôi ấy đối lập với con người mặt chữ điền, mặt áo trắng ở cõi đời ngoài kia.
      - Trong câu thơ kết - nhà thơ dùng đại từ phiếm chỉ “ai” – “Ai” ở đây có thể là người thôn Vĩ hay bất kì ai hiểu được, cảm thông được cho nỗi đau riêng tư của Hàn Mặc Tử. Cách diễn đạt phiếm định này hé mở cho ta thấy sợi dây tình cảm, sợi dây níu kéo, nối kết hai thế giới – thế giới thôn Vĩ và thế giới đau thương của nhà thơ để hi vọng.
à Câu thơ cuối dường như chính là câu trả lời cho câu thơ thứ nhất.

Khổ 1.
-----

Khổ 2


Thế giới thực
-Thời gian: bình minh 
 Không gian: Miệt v­ườn
àkhung cảnh t­ươi sáng, ấm áp, hài hoà giữa con ng­ười và thiên nhiên.

Thế giới mộng
- Thời gian: đêm trăng
- Không gian: trời, mây, sông, nước
  àkhung cảnh u buồn, hoang vắng, chia lìa…

Thế giới ảo.
Thời gian: không xác định.
- Không gian: đ­ường xa, sương khói.
-àkhung cảnh hư­ ảo…



Khổ
3

à Khát vọng yêu th­ương, đồng cảm!
Nghệ thuật:
- Trí tưởng tượng phong phú
- Nghệ thuật so sánh, nhân hóa, thủ pháp lấy động gợi tỉnh, sử dụng câu hỏi tư từ...
- Hình ảnh sáng tạo có sự hòa quyện giữa thực và ảo
Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh đẹp, thơ mộng về một miền quê đất nước là tiếng lòng của con người tha thiết yêu đời, yêu người.
   Ý nghĩa:
Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.

       Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng, “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh đẹp, thơ mộng về một miền quê đất nước là tiếng lòng của con người tha thiết yêu đời, yêu người.
    III. Kết bài
          Bài thơ có cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, có mối tình đẹp nhưng ẩn khuất đằng sau là tình cảm hết sức đáng trân trọng và cảm thông của Hàn Mặc Tử.
Bài  Tham Khảo
                Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) xuất hiện trên thi đàn văn học đã tạo ra một bất ngờ lớn nhưng sự xuất hiện của Hàn Mặc Tử còn tạo ra sự ngạc nhiên hơn nhiều. Một đời thơ không dài nhưng Hàn Mặc Tử đã để lại một lượng tác phẩm đáng phục và anh được ví như "ngôi sao băng có ánh sáng khác lạ vụt qua bầu trời văn học" và làm người ta nhớ mãi không quên. Hàn Mặc Tử khiến người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo mới lạ của một hồn thơ luôn quằn quại đau đớn trong bất hạnh. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực với một thế giới đầy ma quái là một giọng thơ trữ tình đằm thắm. Tất cả thể hiện một tình yêu đời tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế. Mười hai câu thơ là một mạch cảm xúc chan chứa tình cảm với xứ Huế thơ mộng, với con người trần thế.
Đây thôn Vĩ Dạ ra đời khi Hàn Mặc Tử đã lâm bệnh nặng, không có cơ hội để trở về với cuộc sống đời thường bởi căn bệnh phong quái ác. Vì vậy bài thơ là sự hoà quyện giữa thực và ảo. Hiện thực là những kỉ niệm về xứ Huế, ảo mộng là những hình ảnh về con người trong mơ tưởng của thi nhân. Theo những người bạn của Hàn Mặc Tử kể lại thì bài thơ được gợi cảm xúc từ tấm bưu ảnh của Hoàng Cúc gửi cho thi sĩ. Bài thơ là sự quyện hoà của giọng điệu chủ thể trữ tình (thi nhân) và khách thể trữ tình (em).
          Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" tiêu biểu cho những vần thơ sáng trong mĩ lệ đặc biệt hiếm có trong thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc tử. Được biết trong thời gian làm công nhân sở Đạc Điền Quy Nhơn, Hàn Mặc tử đã thầm yêu Hoàng Cúc, con một viên chức cao cấp. Hoàng Cúc là một người phụ nữ mang vẻ đẹp dịu dàng kín đáo, còn giữ được nhiều nét chân quê. Thi nhân yêu nhưng chỉ dám đứng từ xa để nhìn ngắm Hoàng Cúc, bởi tính rụt rè và bẽn lẽn. Tất cả mối chân tình ấy, Hàn Mặc Tử gửi vào tập “Gái quê”. Sau đó, Hoàng Cúc theo cha về Vĩ Dạ - Huế, thi nhân tưởng như nàng đã đi lấy chồng.

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ”

-  Mùa hè năm 1939, người anh họ của Hoàng Cúc là Hoàng Tùng Ngâm (bạn Hàn Mặc Tử) viết thư về Huế cho Cúc biết Tử mắc bệnh nan y (bệnh phong), khuyên Cúc viết thư thăm Tử để an ủi một tâm hồn trong trắng bất hạnh. “Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái danh thiếp. Trong ảnh có mây, có nước, có cô gái chèo đò với chiếc đò ngang, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm Tử rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau một thời gian, tôi nhận được bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và một bài thơ nữa do Ngâm gửi về” (Thư Hoàng Cúc gửi Quách Tấn ngày 15.10.1971).

- Như vậy, qua bức thư của Hoàng Cúc tửi Quách Tấn ta biết được do xúc động bởi tấm lòng cố nhân mà Hàn Mặc Tử đã viết bài thơ này. Bài thơ được in trong tập “Thơ điên”. Khi phân tích cần chú ý mối tình với người con gái Huế là nguồn cảm hứng để Hàn Mặc Tử viết nên thi phẩm, mà tấm bưu ảnh là sự khơi gợi trực tiếp cảm xúc. Mối tình đơn phương hư ảo ấy có lẽ chỉ đem đến cho cảnh sắc thiên nhiên Vĩ Dạ thêm chất mộng mơ và thấm nỗi buồn man mác. Không nên đồng nhất mối tình ấy với tình cảm bức tranh thơ.
- Vĩ Dạ là một thôn nhỏ nằm bên bờ sông Hương - xứ Huế. Ở đây có khu vườn nhà - vườn đẹp xinh như một bài thơ tứ tuyệt với những cây cảnh, cây ăn quả rất nổi tiếng. Từ lâu, nó đã đi vào thơ ca bởi vẻ đẹp thi vị, tiêu biểu cảnh sắc và phong vị của “xứ mơ màng, xứ thơ”. Thi sĩ Bích Khuê đã từng viết:
“Vĩ dạ thôn, Vĩ dạ thôn!
Biếc tre cần trúc không buồn mà say”.
1. Quá khứ tươi đẹp
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Xứ Huế mộng mơ đã từng là nơi khơi nguồn cho bao văn nghệ sĩ, không ít người đã có những sáng tác xúc động về xứ Huế mộng mơ này: “Đã bao lần đến với Huế mộng mơ, tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt” hay là “Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón, em cầm trên tay ra đứng bờ sông…”, Huế có trong câu hát, có trong lòng mọi người và nay lại có trong thơ Hàn Mặc Tử. Câu thơ mở đầu bài thơ là một câu hỏi mang nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa trách móc, vừa như là một lời giới thiệu và mời gọi mọi người. Câu thơ có bảy chữ nhưng chứa tới sáu thanh bằng đi liền nhau làm cho âm điệu trách móc cứ dịu nhẹ đi, trách đấy mà sao tha thiết và bâng khuâng thế! Nhưng ai trách, ai hỏi? Không phải của Hoàng Cúc mà của chủ thể trữ tình Hàn Mặc Tử, từ nỗi lòng da diết vối Huế của thi nhân mà vút lên câu hỏi tự vấn khắc khoải này. Thật sự ở thôn Vĩ có cái gì đặc biệt và hấp dẫn mà tác giả đã giục giã mọi người đến đấy? Ba câu thơ tiếp theo sẽ vẽ ra một hình tượng chung – một mảnh vườn thông Vĩ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Thôn Vĩ hiện lên trong thơ Hàn Mặc Tử thật giản dị mà sao đẹp quá! Bằng tình yêu thiên nhiên của mình, tác giả đã mở ra trước mắt ta một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác, đẹp một cách lộng lẫy. Thôn Vĩ nói riêng và Huế nói chung được đặt tả bằng ánh sáng của buổi bình minh và một vườn cây quen thuộc. Đây là ánh nắng mà ta có thể bắt gặp trong bài “Mùa xuân chín” của tác giả:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”.

Nắng trong thơ Hàn Mặc Tử thường lạ, đầy ấn tượng với những “nắng tươi”, “nắng ửng”, còn ở đây là “nắng mới lên”. Điệp từ “nắng” đã tỏa sức nóng cho bức tranh, cho sự sống, nắng ở đây trong và sáng đang trải dài trên những tán cau còn ướt đẫm sương đêm. Hàng cau hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền với cái “nắng mới lên” trong trẻo, tinh khôi, thật cụ thể và đầy gợi cảm trong buổi sớm mai.
Nắng mới cũng còn có ý nghĩa là nắng của mùa xuân, mở đầu cho một năm mới nên bao giờ cũng bừng lên rực rỡ nồng nàn. Đó là những tia nắng đầu tiên chiếu rọi xuống làng quê, chiếu thẳng vào những vườn cây tươi mát, sum sê làm cho những hạt sương đêm đọng lại sáng lên, lấp lánh như những viên ngọc được đính vào chiếc áo choàng nhung xanh mượt:
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Câu thơ sử dụng đại từ phím chỉ “ai” để nói đến con người xứ Huế. Câu thơ có vẻ đẹp thật long lanh, vì có sắc “mướt” chăng? Hay vì được sánh với “ngọc” chăng? Vườn thôn Vĩ như một viên ngọc lấp lánh đang tỏa vào không gian cái sác xanh của mình. Khung cảnh đơn sơ nhưng vô cùng lộng lẫy, chỉ bằng một vài từ gợi tả “mướt quá” và so sánh “xanh như ngọc” Hàn Mặc Tử đã tạo nên một bức tranh quê rực rỡ, chan hòa sự sống. Qua đó chứng tỏ, nhà thơ là một ngòi bút có tài quan sát tinh tế và trí tượng phong phú. Và cảnh vật ấy như sinh động hẳn lên khi có sự hiện diện của con người, nhưng người ở đây không phải toàn diện từ đầu đến chân mà chỉ là khuôn mặt “chữ điền” kín đáo, dịu dàng và phúc hậu:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Ở đây có hơi hướng Á Đông cổ điển, mặt chữ “điền” là khuôn mặt đượm nét phúc hậu đoan trang, nếu nói “lá trúc che ngang” thì chỉ có thể nói về một cô gái có vẻ đẹp rất Huế. Cô gái e lệ đứng thấp thoáng sau những lá trúc càng chứng tỏ “vườn ai” và vườn cô gái đứng chỉ là một. Thiên nhiên và con người hài hòa với nhau đã tạo nên cái thần thái, cái hồn của Vĩ Dạ – một Vĩ Dạ vốn thơ mộng. Và đối với tâm tưởng của Hàn Mặc Tử, đó là thôn Vĩ của tình yêu và hoài niệm.
Thôn Vĩ nằm cạnh ngay bờ sông Hương êm đềm nên ắt hẳn nhịp sống của con người ở đây cũng sẽ bị chi phối bởi cái êm ả của sông Hương: “Dòng sông Hương vẫn êm ả lững lờ trôi” – nhẹ nhàng mà vô cùng đẹp. Từ cách tả cảnh làng quê ở khổ đầu tác giả đã chuyển sang tả cảnh sông với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ mong, sầu muộn hư ảo trong giấc mộng
Như vậy, ở khổ thơ thứ nhất, mỗi câu là một chi tiết vườn. tất cả được hòa nhập và ánh lên một vẻ đẹp thanh tú. Cảnh sắc thôn Vĩ, vườn thôn Vĩ là của thế giới ngoài kia, vườn trần gian. Cảnh sắc ấy được nhìn qua lăng kính của mặc cảm chia lìa nên những vật tưởng như đơn sơ nhất cũng trở nên vô cùng lộng lẫy. Về với thôn Vĩ là việc bình thường với bao người, song đối với Hàn lại là một ước ao, ước ao quá tầm tay với. Hay có thể lấy lời của một nhà nghiên cứu phê bình nọ để kết lại cho khổ thơ đầu này, rằng: Khổ một chính là một ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như một lời mời mọc từ bên ngoài, nỗi hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng của khát khao rực rỡ.

2. Hiện thực ảm đạm
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Nếu ở khổ 1là cảnh thôn Vĩ hiện lên đẹp, thơ mộng cùng với những hi vọng và hạnh phúc của thi nhân thì bước sang khổ 2, không gian được mở rộng ra ngoài khung cảnh của thôn Vĩ. Đó là trời, mây, sông nước xứ Huế. Và thời gian buổi sáng ban mai ở Vĩ Dạ đã chuyển vào ngày rồi sang đêm tối. Có lẽ, nét độc đáo trong nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử chính là ở sự đứt đoạn bên ngoài bố cục, cấu tứ nhưng vẫn chìm mạch cảm xúc thống nhất.  Tâm trạng của thi nhân đang từ bồi hồi vui, mong đợi, ao ước bỗng chuyển sang buồn thiu như cách nói của tác giả “dòng nước buồn thiu”. Nguyễn Du rất đúng khi cho rằng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Cách ngắt nhịp 4/3 trong câu thơ “Gió theo lối gió, mây đường mây” với hai vế tiểu đối gợi tả một không gian gió, mây chia lìa, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Người ta nói “Thơ là sai ngữ pháp” quả không sai vì nó đã chấp nhận những  cách nói vô lí của ngôn ngữ thơ và nhận ra cái hợp lí của người thơ ẩn trong  “cái bề sau, bề sâu, bè xa” ( Chế Lan Viên). Theo lẽ thường thì gió thổi, mây bay, phải chăng mặc cảm chia lìa đã chia xa những thứ vốn không thể chia tách ấy?
Hình ảnh dòng nước đã được nhà thơ nhân hóa trở thành một sinh thể có tâm trạng nhằm giãi bày tâm tư của chính mình. Bởi dòng sông xứ Huế không thể tự buồn mà chính thi nhân đã bỏ buồn vào dòng sông ấy. Thêm vào đó là động thái “lay” của hoa bắp, nó càng gợi lên sự hiu hắt, thưa vắng vì bản thân nó làm sao có thể tự biết vui, biết buồn. Có chăng, nó chỉ là nét phụ họa với nỗi buồn của gió, mây, sông nước hay ngược lại? Ca dao có câu: “Ai về Giồng Dứa qua truông/ Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em?” hay câu thơ của Trúc Thông  “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông thấy gió người không thấy về”. Chúng ta hãy làm một cuộc so sánh nhỏ về hai chữ trong thơ Nguyễn Du và thi sĩ Hàn. Nếu như chữ “hiu hiu” trong câu thơ “Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” là tín hiệu nhằm báo sự hiện hữu thì chữ “lay” trong câu thơ Hàn Mặc Tử là để tác giả kịp nhận ra sự phiêu tán, chia xa. Tất cả tạo nên nhịp thơ chậm rãi. Phải chăng, đấy chính là hồn Huế, nhịp điệu quen thuộc của xứ Huế ngàn đời nay? Thực là một bức tranh thiên nhiên toát lên vẻ ảm đạm, nhốm màu chia lìa, sự sống mệt mỏi và yếu ớt. Gắn với cảnh là một nỗi buồn hiu hắt mang dự cảm về hạnh phúc chia lìa. Đúng là “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”.
Khác với ban ngày, thiên nhiên xứ Huế về đêm ngập tràn ánh trăng “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”. Có phải chính cuộc sống trần giới với bao vẻ đẹp trong sáng ấy càng ngày càng tuột khỏi tầm tay nên thi sĩ mới quay về với trăng, nguồn an ủi, động viên, sự bám víu cuối cùng cho cuộc đời mình.
Hình ảnh sông trăng khiến người đọc có cảm tưởng như mình đang đứng trước dòng sông được dát bạc bởi sự lộng lẫy, lung linh của nó. Có thể nói, đây là một trong những câu thơ hay nhất của tác giả trong bài thơ này. Hình ảnh thuyền ai gợi lên bao ngỡ ngàng, bang khuâng, vừa quen, vừa lạ, man mác như điệu hò xứ Huế được đặt cùng với hình tượng sông trăng nên thơ càng nổi bật thần thái, vẻ đẹp thân thương của thiên nhiên Vĩ Dạ. Không phải đến Hàn Mặc Tử, hình ảnh sông trăng mới được ra đời, mà trước đó, thi ca cũng đã ghi nhận những ý thơ tuyệt mĩ về hình ảnh này. Đó là hình ảnh “Thuyền ai đậu bến Cô Tô” (Trương Kế đời Đường), “Sông xuân sao chẳng sáng ngời trăng” (Xuân giang hoa nguyệt dạ, Trương Nhược Hư), rồi thơ ca Việt Nam cũng có hình ảnh “gió trăng chứa một thuyền đầy” (Nguyễn Công Trứ) hay “Trăng sông Trà – như tấm gương soi dòng nước bạc” ( Cao Bá Quát). Cho nên, đây là một sự kế thừa, sáng tạo nhưng cũng là đóng góp mới mẻ vào kho tàng thơ ca viết về đề tài ‘trăng”.
Trong thơ từ xưa đến nay, các hình ảnh thuyền, bến, trăng thường được dùng để trỏ vể người con trai, con gái và hạnh phúc lứa đôi. Có thể dẫn ra rất nhiều những ví dụ để minh chứng cho điều này. Từ ca dao: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ tre non đủ lá đan sàng nên chăng?/ Chàng hỏi thì thiếp xin vâng/ Tre non đủ lá nên chăng hỡi chàng?”. Đến Truyện Kiều, thiên tài Nguyễn Du đã dành cho cặp tình nhân Kim - Kiều khu vườn ngập đầy ánh trăng để đêm giao ước, thề nguyền càng trở nên lung lình, tình tứ và lãng mạn hơn. Quay lại với ý thơ trên,  hình ảnh con thuyền chở trăng là gì nếu không  chính  là chở tình yêu và bến sông trăng chính là đến với bến bờ hạnh phúc. Nhưng tại sao tác giải lại nói “Có chở trăng về kịp tối nay?” Có lí do nào khiến cho con thuyền không thể về kịp bến sông trăng ấy?  Nếu khổ thơ thứ nhất là cảnh đẹp buổi sáng trong hoài niệm, trong khao khát trở về thì khổ hai là cảnh đẹp ban đêm của thôn Vĩ , nhưng ở đây đay đã chuyển sang thì hiện tại, nhuốm màu đau đớn bởi sự tuyệt vọng, chia lìa. Cho nên mới có cái ý nguyện níu kéo, khắc khoải chơi vơi. Phải chăng chỉ là sự tưởng tượng của nhà thơ bởi vì khát vọng, khát vọng yêu, khát vọng được hòa nhập và chiếm lĩnh tình yêu, cuộc sống của một cái tôi đau thương quá lớn? Kịp để sống chạy đua với thời gian. Kịp để được hưởng tối đa hạnh phúc nơi trần giới bởi  đời quá ngắn và cái chết sẽ chờ đợi tất cả ở cuối con đường. Với Hàn Mặc Tử nó càng quan trọng hơn nữa bởi lưỡi hái tử thần đã kề cạnh sau lưng chàng. Người ta nói “Thơ là sự lên tiếng của thân phận’ hẳn không sai với Hàn chút nào. Như vậy, có thể nói sang khổ thơ thứ hai này một ước ao vô cùng khẩn thiết lại biến thành một hoài vọng chới với đến nghẹn ngào.
3. Tương lai u ám
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
 Bước sang khổ cuối, giọng thơ đã từ gấp gáp, khẩn khoản chuyển sang khắc khoải thông qua nhịp điệu câu thơ. Nếu khổ một là vười đẹp. Khổ hai là trăng đẹp thì đến khổ ba là hình bóng đẹp. Tất cả đều là những hình ảnh đẹp của thế giới ngoài tầm tay với riêng Hàn Mặc Tử. “Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra”. Ở đây, hình ảnh khách đường xa có thể là người đang sống ở Vĩ Dạ cũng có thể chính là nhà thơ. Sự cách trở xa xôi được thể hiện rõ thông qua điệp từ “khách đường xa ấy”. Rồi hình ảnh “áo em”? Ta dễ thường thấy trong thơ Hàn mặc Tử, hình bóng giai nhân bao giờ cũng là hiện thân sống động của vẻ đẹp trinh khiết xuân tình và gắn vào làm một với hình bóng họ là sắc áo trắng tinh khôi. Nhiều người chưa phân tích thấu đáo hay hiểu nôm na mà  cho rằng “Áo em trắng quá nhìn không ra” là bởi lẫn vào sương khói. Nhưng thực ra, câu thơ là một tiếng kêu , một cách cực tả sắc trắng ở mức tuyệt đối, tuyệt cùng. Đến đây, mơ tưởng da diết, khắc khoải hơn hết vẫn là dành cho con người, vẫn hướng tới con người vì với tác giả, mất mát lớn nhất, niềm đau thương lớn nhất là phải chia lìa với người mình yêu, với thế giới ngoài kia vậy.
Đến đây, tác giả quay trở về với thực tại. Hình ảnh “sương khói mờ nhân ảnh” nhằm chỉ cho cảnh vật và con người hư ảo, xa xôi. Hiện thực hư ảo, mờ nhòe càng lúc càng chìm vào cõi mộng. giường như, tác giả càng cảm nhận rõ hơn cái xa xôi, hư ảo của hạnh phúc và tình yêu. Cuộc đời ngoài kia vẫn cứ diệu kì nhưng vẫn cách xa nghìn thế giới vời Hàn. Chỉ còn lại chút tình là sợi dây duy nhất níu giữ cuộc đời ông với Ngoài kia nhưng sao cũng mong manh, xa vời quá. “Ai biết tình ai có đậm đà?” …..Câu hỏi cuối cùng khép lại bài thơ như một tiếng thở dài hay là lời cầu mong? Hẳn là cả hai.
Bài thơ bắt đầu là một câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?” và kết thúc bài thơ cũng là một câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà ?” khiến cho nỗi niềm của tác giả được đẩy thêm tầm vóc. Những câu hỏi tu từ trong bài dường như cứ xoáy lên mỗi lúc một cao hơn ? Cảnh vật thì đẹp nhưng những hình ảnh về mảnh vườn xanh mướt, về bến sông trăng, về con thuyền và cả mối tình của tác giả dường như vô tình làm nhòe đi để tạo nét mênh mang, phù hợp với tâm trạng của nhà thơ – một con người đang ở giữa hai bờ của sự sống và cái chết. Cảnh thật lung linh, huyền ảo, đầy thơ mộng nhưng lồng vào đấy là tâm trạng của chủ thể trữ tình thì cũng trở nên buồn, buồn nhưng mà có hồn. Thật vậy, âm hưởng của bài thơ chỉ cô đúc trong một chữ “buồn” nhưng không làm cho người ta bi lụy, bởi đằng sau nỗi niềm ấy của thi nhân ta thấy được một tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, nồng cháy và một khát vọng về cuộc sống ấm tình hơn. Những chi tiết, những thủ pháp nghệ thuật, cách cấu tứ đã được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình. Đọc cả bài thơ, ta không thấy có cái gì gượng ép, ngược lại ta như đang cùng sống với nhà thơ trong cái thế giới huyền ảo của ông. Bài thơ là sự kết hợp, giao hòa giữa tình và cảnh bộc lộ những nét đẹp, những nét trong sáng gắn với quê hương Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
   3.4.  Như vậy, ba khổ thơ là ba bức tranh khác nhau. Cảnh từ tươi sáng, giàu sức sống đến ảm đạm, uể oải rồi sang hư ảo, mờ nhòe. Tâm trạng thi nhân đang từ hi vọng sang dự cảm chia lìa, thất vọng rồi tuyệt vọng. Các đại từ phiếm chỉ “ai” lặp lại đều đặn ở ba khổ: vườn ai, thuyền ai, ai biết tình ai kết hợp với sự lặp lại của các câu hỏi tu từ  trong các khổ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”, “Có chở trăng về kịp tối nay?”, “Ai biết tình ai có đậm đà?” góp phần thể hiện sự mơ hồ, khắc khoải, khát khao tình yêu, hạnh phúc của chủ thể trữ tình. Có người cho rằng bài thơ là sự chắp nối vụng về, rời rạc giữa ba đoạn. Nhưng những bước nhảy về ý, ý nọ cách ý kia một khoảng lớn ấy chỉ là hình thức để bên trong để chuyển tải  một sợi dây tư tưởng xuyên suốt toàn bài. Cho nên, khi tiếp cận thơ Hàn Mặc Tử, không nên đọc theo đề tài, sự việc mà phải tìm ra diễn biến tâm trạng của thi nhân, cái “mạng vi mạch” của ‘cơ thể” tác phẩm.
          “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dầu vậy nhưng ông vẫn sống hết mình trong sự đau đớn của tinh thần và thể xác. Điều đó chứng tỏ ông không buông thả mình trong dòng sông số phận mà luôn cố gắng vượt lên nó để khi xa lìa cõi đời sẽ không còn gì phải hối tiếc. Trải qua bao năm tháng, cái tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ. Đây là một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim suốt cuộc đời luôn thổn thức tình yêu, một tâm hồn thi sĩ đã biến những nỗi đau thương, bất hạnh của đời mình thành những đóa hoa thơ, mà trong đó thơm ngát nhất, thanh khiết nhất là “Đây thôn Vĩ Dạ”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét